Biến đổi khí hậu gây hậu quả nghiêm trọng đến nông nghiệp.
Sách trắng nghiên cứu với tiêu đề “Khảo sát đối với các nhà hoạch định chính sách về tác động của biến đổi khí hậu đối với nền nông nghiệp ASEAN” vừa được phát hành tại tất cả các quốc gia Đông Nam Á.
Đã có khoảng 35 nhà hoạch định chính sách của các quốc gia ASEAN tham gia trong nghiên cứu lần này theo cả hai phương pháp phỏng vấn định tính và định lượng từ tháng 10/2021 tới tháng 1/2022.
Đa số các nhà hoạch định chính sách tham gia khảo sát đều thống nhất cho rằng tác động của biến đổi khí hậu là một trở ngại đáng kể mà khu vực ASEAN sẽ phải tính đến.
Khi được hỏi, đâu sẽ là những trở ngại lớn nhất mà hệ thống lương thực tại quốc gia của họ sẽ phải đối mặt trong 5 năm tới, hơn một nửa (51%) cho rằng quản lý tác động và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là thách thức cấp bách nhất hiện nay, cao hơn đáng kể so với tất cả các thách thức khác.
Họ cũng đưa ra hàng loạt những vấn đề về môi trường mà nông dân sản xuất quy mô nhỏ trong khu vực đang và sẽ phải đối mặt như: chất lượng đất, quản lý dịch hại, năng suất cây trồng và cơ hội thương mại nông sản.
Gần như tất cả (95%) các nhà hoạch định chính sách được hỏi đồng ý rằng việc duy trì và cải thiện chất lượng đất là thách thức lớn nhất mà đất nước của họ phải đối mặt hiện nay, trong khi đó 91% tin rằng quản lý sâu bệnh, đảm bảo đủ năng suất cây trồng, mở rộng thị trường phù hợp và cải thiện khả năng bán hàng cho nông dân cũng là những vấn đề rất đáng lưu tâm.
Các nhà hoạch định chính sách cũng gần như nhất trí rằng những thách thức sẽ trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu. Trong khi có sự nhất trí cao rằng mọi thành phần của xã hội đều sẽ chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, đa số người được hỏi (hơn 60%) nhận định rằng nông dân là nhóm sẽ phải đối mặt với những tác động tiêu cực lớn nhất, đặc biệt liên quan tới năng suất cây trồng/ an ninh lương thực.
Khi được hỏi về các giải pháp để giải quyết các thách thức nêu trên, hơn 86% các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc cung cấp kiến thức và tập huấn để nông dân tiếp nhận và sử dụng các giải pháp công nghệ nông nghiệp cũng như đổi mới khoa học trong lĩnh vực này sẽ là “rất quan trọng” để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực.
Họ cũng chung nhận định rằng giải pháp này còn quan trọng hơn những thay đổi về chính sách hoặc các biện pháp tài chính như cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng của nông dân.
NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM CHỊU ẢNH HƯỞNG NẶNG DO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Theo Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi nước biển dâng.
Theo phân tích của Viện Tài nguyên thế giới về ảnh hưởng của lũ lụt đến GDP, Việt Nam đứng thứ 4 trong số 164 quốc gia được khảo sát về tác hại nghiêm trọng của lũ lụt đến toàn nền kinh tế; làm thiệt hại 2,3% GDP của Việt Nam mỗi năm…
Nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m mà không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu, thì khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Lũ lụt sẽ khiến gần 50% diện tích đất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập chìm không còn khả năng canh tác.
Tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng đồng bằng sống Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển. Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3 - 4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm.
Ngập mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở Đồng bằng sông Cửu Long và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần được hỗ trợ về nông nghiệp.
Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam được đánh giá là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, cho việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng.
Dưới tác động của Biến đổi khí hậu, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn… đã gây thiệt hại đáng kể, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP/năm.
Việt Nam là nước nông nghiệp (nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP), phần đông người nghèo sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, nên Việt Nam được Tổ chức Phát triển của Liên Hợp Quốc đánh giá là 1 trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu.
Với nền nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên như hiện nay, Việt Nam cần chủ động đánh giá và dự báo tác động của Biến đổi khí hậu, để kịp thời có những giải pháp ứng phó, phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp và bền vững.
Nghiên cứu "Khảo sát đối với các nhà hoạch định chính sách về tác động của biến đổi khí hậu đối với nền nông nghiệp ASEAN” được thực hiện bởi công ty nghiên cứu thị trường PSB Insights cùng sự hợp tác của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hiệp hội Khoa học Cây trồng Châu Á (Tổ chức CropLife).
Mục đích của nghiên cứu là để hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, sản xuất lương thực và nông dân sản xuất nhỏ trong khu vực ASEAN và phương thức để giải quyết những thách thức đó.
Chu Khôi