Cùng với sự phát triển chung của Ngành, công tác dự báo KTTV nói chung, dự báo thiên tai nói riêng tại khu vực TTB trong thời gian qua đã có bước chuyển biến đáng kể. Các sản phẩm dự báo được đa dạng hóa, thời gian cảnh báo, dự báo cũng được kéo dài hơn, đáp ứng sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Cho đến nay hệ thống quan trắc KTTV tự động với những trang thiết bị hiện đại, có thể đáp ứng tốt việc thu thập thông tin số liệu KTTV phục vụ công tác dự báo.
Hệ thống trạm quan trắc
Khu vực TTB hiện có số liệu quan trắc khí tượng, thuỷ văn, hải văn, đo mưa tại 135 trạm (mật độ trạm trên đất liền đạt 1/258km2). Thuộc hệ thống trạm KTTV quốc gia có 117 trạm: 18 trạm khí tượng (mật độ 1/1935km2); 42 trạm thuỷ văn (mật độ 1/829km2), 3 trạm khí tượng hải văn, 53 trạm đo mưa; trạm đo mưa thuộc VRain là 18. Ngoài ra còn có hệ thống trạm đo mưa, mực nước tại các hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi.
Hệ thống hồ chứa
Khu vực TTB hiện có hơn 280 hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện, trong đó có các hồ chứa thuỷ điện vừa và lớn gồm: Rào Quán, Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch, A Vương, Sông Bung 4, ĐakMi4, Sông Tranh 2, Nước Trong và Đakđrinh (Hình 2). Hệ thống hồ chứa đã làm thay đổi chế độ thuỷ văn các sông, điển hình là tại Thừa Thiên Huế, lưu vực 5 hồ lớn liền kề (Hương Điền, Bình Điền, Trà Trạch, A Lưới và hồ Truồi) có tổng diện tích 2345km2- chiếm 47% diện tích tự nhiên toàn tỉnh TT-Huế .
Hệ thống dự báo
Trong những năm qua, công tác dự báo KTTV tại khu vực TTB được Ngành KTTV đầu tư phát triển mạnh. Ngoài phương tiện máy móc được trang bị khá đầy đủ như hệ thống ảnh mây vệ tinh, rađa, dữ liệu, các sản phẩm dự báo trong nước và quốc tế, hệ thống trạm đo, truyền dữ liệu tự động, yếu tố con người cũng được quan tâm đào tạo phát triển. Hệ thống thông tin liên lạc được trang bị đầy đủ, bao gồm hệ thống Internet, hệ thống truyền dữ liệu quan trắc tự động chuyên ngành, hệ thống thông tin vô tuyến, đảm cho nhiệm vụ thu nhận dữ liệu và cung cấp sản phẩm dự báo.
Về công nghệ dự báo: Bên cạnh các công nghệ dự báo truyền thống như dự báo khí tượng bằng phương pháp Synop, dự báo thuỷ văn bằng các phương pháp thống kê, xây dựng tương quan, các mô hình số trị đã được nghiên cứu ứng dụng và trở thành công nghệ dự báo chính trong những năm qua như mô hình dự báo thời tiết WRF, khai thác các sản phẩm mô hình khác từ Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, các trung tâm dự báo lớn trên thế giới (Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu,...); hệ thống SmartMet. Các mô hình thuỷ văn, thuỷ lực tiên tiến như mô hình MIKE (Mike11, Mike 21, MikeFlood,...), mô hình HEC-Hms, HEC-Ras, Tank, IFas; mô hình hải văn ROM2D, 3D, SWAN đã được ứng dụng trong dự báo tác nghiệp, tạo ra các sản phẩm dự báo đa dạng, đầy đủ, chi tiết thông tin, có khả năng đáp ứng tốt nhu cầu xã hội.
Bên cạnh sự phát triển về công nghệ, đội ngũ dự báo viên cũng thường xuyên được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng dự báo có thể đáp ứng thực hiện tốt nhiệm vụ hiện nay.
Công tác phục vụ
Sự phát triển KTXH mạnh mẽ, đời sống dân sinh ngày đượng nâng cao cũng đồng nghĩa với sự gia tăng nhu cầu về KTTV nói chung, dự báo KTTV nói riêng. Xác định rõ vai trò, tầm quang trọng của KTTV đối với kinh tế- xã hội, trong những năm qua, công tác KTTV đã củng cố phát triển theo hướng hiện đại, đổi mới công nghệ, đa dạng hoá các hình thức phục vụ cho mọi lĩnh vực như: Xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển, giao thông, xây dựng, nông nghiệp, du lịch, thuỷ điện, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và phòng chống thiên tai (PCTT).
Hàng năm, hàng chục nghìn bản tin dự báo, cảnh báo được phát hành cung cấp cho cộng đồng và các cơ quan, đơn vị sử dụng. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu KTTV phục vụ quy hoạch phát triển, xây dựng các công trình, kế hoạch ứng phó, phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH cũng được thực hiện thường xuyên.
Trong lĩnh vực hồ chứa, ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ theo quy trình vận hành liên hồ chứa của Thủ tướng Chính phủ ban hành, còn phối hợp với các hồ chứa thực hiện các nhiệm vụ quan trắc, dự báo chuyên đề phục vụ vận hành đúng quy định, đạt hiệu quả cao như hồ Tả Trạch, A Vương, Sông Bung 4, Sông Bung 2, ĐakMi4, Sông Tranh 2, Đakđrinh,...
Trong quá trình phục vụ, công tác KTTV đã luôn được sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ từ các địa phương như đầu tư xây dựng trạm KTTV phục vụ công tác PCTT, thực hiện các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ cho công tác dự báo,...
Định hướng nâng cao năng lực, mở rộng dịch vụ KTTV phục vụ kinh tế - xã hội
Trong bối cảnh thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu đến thời tiết, khí hậu khu vực; sự phát triển đa dạng của nền kinh tế, công tác KTTV trong giai đoạn tới cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:
Tập trung các nguồn lực phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và tự động hóa, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật KTTV, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất,… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Lấy việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực làm giải pháp chủ yếu để phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu khoa học, công nghệ trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp nhận, vận hành khai thác phương tiện, trang thiết bị, công nghệ hiện đại theo xu hướng phát triển của khu vực và trên thế giới, đảm bảo năng lực thực hiện nhiệm vụ về hợp tác quốc tế.
Tạp chí Khí tượng Thủy văn