Trong những ngày qua, hồ thủy điện Sông Bung 4 không vận hành xả nước phát điện về sông Vu Gia vào ngày Chủ nhật (14/4) như thường lệ, làm đứt quãng dòng chảy trên sông Vu Gia dẫn đến độ mặn của sông Cầu Đỏ tăng cao, thường xuyên vượt ngưỡng 1.000mg/l.
Cụ thể, mực nước sông Vu Gia tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa sụt giảm từ 2,45m lúc 7 giờ sáng ngày 14/4 (mực nước thấp hơn mức quy định của Quy trình vận hành liên hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn) xuống còn 1,87m lúc 7 giờ sáng ngày 15/4.
Trong ngày 15/4, hồ thủy điện này đã xả nước về sông Vu Gia với lưu lượng 65m3/s, nhưng đến 1 giờ sáng 16/4, mực nước sông tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa chỉ nhích lên đến 1,94m. Do nhận thấy mực nước sông Vu Gia sụt giảm mạnh, hồ thủy điện này đã nâng mức xả nước về sông Vu Gia gấp đôi vào ngày 16/4 (131m3/s).
Sáng 17-4, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) đã có công văn gửi Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và môi trường và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về tình hình nhiễm mặn ở bức báo động tại Nhà máy nước Cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ).
Theo đó, liên tục trong nhiều ngày qua, nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ tại cửa thu luôn bị nhiễm mặn liên tục suốt 71 ngày (từ 2-2 đến 16-4). Có thời điểm, độ mặn cao nhất là 2.112 mg/lít đo được vào lúc 7 giờ sáng 16-4.
Theo DAWACO, vào ngày 16-4, độ mặn trung bình tại cửa thu là 1.323 mg/lít. Đến sáng 17-4, độ mặn tiếp tục vượt ngưỡng 1.277 mg/lít khiến cho việc lấy nước thô tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ gặp khó khăn, dẫn đến tổng công suất cấp nước cho toàn TP Đà Nẵng suy giảm. Các khu vực cuối nguồn nước bị yếu, một sô khu vực có địa hình cao thậm chí không lấy được nước để sản xuất.
Hiện tổng công suất cấp nước cho thành phố là hơn 283 ngàn m3/ngày, trong khi 2 nhà máy sản nước là Cầu Đỏ và Sân Bay (quận Thanh Khê) cung cấp được khoảng hơn 268 ngàn m3/ngày.
Nếu độ mặn tiếp tục tăng, việc sản xuất và cung cấp nước cho người dân sẽ gặp khó khăn và có khả năng gây thiếu hụt nước sạch.
Trong nhiều ngày qua, độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ trên sông Cầu Đỏ thường xuyên duy trì ở mức cảnh báo cao, nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ tại cửa thu luôn bị nhiễm mặn liên tục suốt 71 ngày (từ 2-2 đến 16-4). Có thời điểm, độ mặn cao nhất là 2.112 mg/lít đo được vào lúc 7 giờ sáng 16-4. Vào ngày 16-4, độ mặn trung bình tại cửa thu là 1.323 mg/lít. Đến sáng 17-4, độ mặn tiếp tục vượt ngưỡng 1.277 mg/lít.
Khi độ mặn tại vị trí cửa lấy nước của Nhà máy lớn hơn 1000 mg/l, Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng phải thực hiện bơm nước sông Vu Gia (sông Yên) từ trạm bơm tại đập dâng An Trạch về hồ điều tiết tại Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Nếu nhu cầu sử dụng của Đà Nẵng vượt công suất thiết kế của Trạm bơm phòng mặn An Trạch, thì nguồn nước cấp cho thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trước thực trạng này, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành dự án nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ và dự án Nhà máy nước hồ Hòa Trung, đầu tư nâng công suất Trạm bơm phòng mặn An Trạch và Tuyến ống nước thô dẫn về Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Trước mắt, sẽ triển khai Tuyến ống Diuke qua sông Cầu Đỏ, hoàn thành trong tháng 5/2019.
Cùng với đó, triển khai xây dựng đập tạm tại Quảng Huế để tăng lưu lượng nước thô dẫn về sông Yên.
Đồng thời sẽ làm việc và đề nghị các chủ hồ chứa thủy điđện phía thượng nguồn xả nước về sông Yên với lưu lượng phù hợp, đảm bảo khống chế độ mặn tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ dưới 900 mg/l, đầu tư các tuyến ống cấp nước chính để kịp thời truyền tải nước sạch đến các khu vực có áp lực yếu.
Từ ngày 01/4/2019 đến ngày 16/4/2019, Dawaco đã bơm tổng cộng 2.424.410 m3 nước (tương đương khoảng 50% nhu cầu dùng nước của thành phố Đà Nẵng) từ trạm bơm tại đập dâng An Trạch về hồ điều tiết tại Nhà máy nước Cầu Đỏ để xử lý.
Ngoài việc kêu gọi người dân sử dụng nước tiết kiệm, Đà Nẵng cũng lên phương án cấp nước bằng xe bồn, thông báo kế hoạch cấp nước luân phiên để người dân trữ nước; tái sử dụng nước thải để tưới cây, rửa đường; xây dựng kịch bản ứng phó với từng sự cố, đảm bảo mục tiêu cấp nước an toàn.
Theo moitruong.net.vn