Dân thấp thỏm sống gần những quả đồi nguy cơ sạt lở

Đăng ngày: 22-09-2021 | Lượt xem: 1584
Hàng chục vùng tại Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đứng trước nguy cơ sạt lở đất mỗi khi mùa mưa bão về.

Những tiếng nổ vang trời như bom liên tiếp phát ra từ những dãy núi khiến nhiều người dân tháo chạy trong đêm. Đó là những gì mà người dân một số nơi ở Quảng Trị, Huế luôn nơm nớp khi mùa mưa lũ về.

14 hộ dân ở xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) lo lắng ngọn núi ngay sau nhà sạt lở. Ảnh: N.DO

Thấp thỏm dưới chân núi lở

Tại tỉnh Quảng Trị hiện có 30 xã, thị trấn đang đối mặt với nguy cơ rất cao từ lũ ống, lũ quét, chủ yếu ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Còn tại Thừa Thiên-Huế có 48 điểm nguy cơ sạt lở được tỉnh này cảnh báo.

Nhiều năm nay, 14 hộ dân sống ở khu vực chân đèo Phú Gia (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) luôn thấp thỏm, lo lắng vì sống dưới chân núi đang bị nứt gãy. Từ tuyến quốc lộ 1A dễ dàng nhận rõ vết nứt gãy kéo dài, với khối lượng đất đá khá lớn, nguy cơ sạt trượt trên lưng chừng núi khi có mưa lớn luôn rình rập.

Bà Trần Thị Dung (49 tuổi, xã Lộc Tiến) lo lắng: Chính quyền đã nhiều lần làm việc nhưng chưa đưa ra được giải pháp di dời các hộ dân đến nơi an toàn trong khi mùa mưa bão đã cận kề.

“Nhiều đơn vị thi công sau khi khai thác xong không chịu hoàn trả mặt bằng. Trong khi núi cao, có độ dốc lớn có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào vào mùa mưa” - bà Dung nói.

Tại huyện Nam Đông có khoảng 10 vị trí có nguy cơ sạt lở đất, đá, lũ quét khi mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Cứ mỗi mùa mưa bão về, người dân thôn 2 (xã Thượng Nhật) lại đối diện với nỗi lo sạt lở núi. Ông Hồ Văn Vang (45 tuổi, xã Thượng Nhật) lo lắng: “Cứ đến mùa mưa là thấp thỏm vì núi lở vùi lấp khu dân cư bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó lại thêm nỗi lo thủy điện Thượng Nhật xả lũ bất ngờ, ảnh hưởng đến dòng chảy của sông suối và gây thiệt hại vật nuôi, mùa màng”.

Còn tại Quảng Trị, trong mùa lũ năm 2020, huyện Hướng Hóa luôn được nhắc đến với vụ sạt lở đất liên tiếp, trong đó có vụ sạt lở tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 khiến 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Nhiều ngọn núi bị nứt gãy từ năm trước khiến chính quyền và người dân tại đây càng lo lắng hơn. Bà Hồ Thị Cương (52 tuổi, xã Hướng Việt) cho biết: “Đến mùa mưa lũ người dân lại lo, như năm ngoái mỗi lần nằm ngủ nghe mưa to là đứng ngồi không yên, khi nghe tiếng núi nổ thì sẵn sàng bỏ chạy. Năm nay bão số 5 vừa qua mưa lớn khủng khiếp khiến dân rất sợ”.

Bà Hồ Thị Cương với căn nhà đổ nát, vùi lấp trong đống đất đá sau vụ sạt lở năm 2020. Ảnh: N.DO

Mong được ổn định

Về trường hợp 14 hộ dân sống dưới chân núi lở, ông Phan Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến, cho biết xã đã bố trí quỹ đất tại khu tái định cư Lộc Tiến cho các hộ dân. “Tuy nhiên, đây là vấn đề cần nguồn kinh phí lớn nên chính quyền cũng phụ thuộc cấp trên bố trí vốn mới thực hiện được” - ông Cường nói.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên-Huế, địa phương đang giao cho huyện Phú Lộc phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát và lập kế hoạch di dân tái định cư để người dân ổn định cuộc sống.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, cho hay đối với vùng nguy cơ sạt lở như ở xã Thượng Nhật, trước mắt để bảo đảm an toàn cho người dân, địa phương vận động và thực hiện sơ tán tạm thời các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn mỗi khi đến mùa mưa bão.

“Về lâu dài, địa phương xác định những vị trí có nguy cơ sạt lở để xây dựng phương án bố trí tái định cư, di dời người dân đến nơi ở mới an toàn. Tuy nhiên, với nguồn lực của huyện còn hạn chế. Hiện việc xây dựng khu tái định cư, thực hiện công tác di dời, bồi thường hỗ trợ… đều rất khó khăn nên chưa biết khi nào thực hiện được cho nhân dân” - ông Hồ thông tin.

Liên quan đến vấn đề này, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết trước mắt, tỉnh sẽ ưu tiên di dời 123 hộ dân với tổng mức đầu tư 52,4 tỉ đồng đối với 34 hộ dân tại xã Lộc Vĩnh, 89 hộ dân tại xã Thượng Nhật đến nơi an toàn. Còn nhiều nơi chưa được di dời tái định cư nhưng có nguy cơ sạt lở, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương có phương án di dời tạm thời các hộ dân ở gần khu vực có nguy cơ đến nơi an toàn trong mùa mưa bão.

Được biết, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đang yêu cầu các đơn vị triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ đột xuất “khảo sát, đánh giá nhanh mức độ rủi ro do sạt trượt đất đá các công trình trên hệ thống thủy điện bậc thang Alin - Rào Trăng và các biện pháp phòng tránh” vì khu vực này có nguy cơ sạt lở cao.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho hay rút kinh nghiệm từ năm 2020, Quảng Trị đã lập bản đồ sạt lở để khoanh vùng và có kế hoạch di dân tái định cư đến nơi ở mới. Ưu tiên những vùng có nguy cơ, đã được báo động thì di dời trước. Vùng khác sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác, đến mùa mưa lũ về thì sẽ di dời dân tạm thời. Đồng thời sẽ có những quy hoạch lâu dài để di dân tại các vùng sạt lở, kể cả vùng núi và đồng bằng.

“Về lâu dài, UBND tỉnh giao Sở TN&MT xây dựng đề cương đánh giá toàn diện nguy cơ sạt lở đất cũng như vấn đề về kinh tế - xã hội tại khu vực miền núi để tổ chức hội thảo. Trong đó mời các chuyên gia, các nhà khoa học về đánh giá toàn diện các vấn đề về biến đổi khí hậu để đưa vào quy hoạch chung của tỉnh. Cả các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn phù hợp, đặc biệt những vùng nguy cơ sạt lở đất, bờ sông, bờ biển phải bố trí ngân sách để gia cố, có cảnh báo cụ thể” - ông Đồng nói.

Không để sạt lở tại khu vực điện gió

Tác động của dự án điện gió, ngoài đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, tỉnh Quảng Trị đã giao cho các sở liên quan phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát các dự án đang thi công dang dở. Dự án thi công xong phải hoàn trả mặt bằng, trồng cây xanh để bảo vệ môi trường. Gia cố kè móng bãi thải, taluy âm, taluy dương của các tuyến đường, làm rãnh thoát nước để không xảy ra sạt lở trong khu vực điện gió.

Theo Báo Pháp luật

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: