Đập cừ thép trên kinh xáng Rạch Giá - Hà Tiên tại xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương để ngăn mặn, giữ ngọt cho vùng Tứ giác Long Xuyên. (Ảnh: Lê Huy Hải).
Những giải pháp chủ động
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, năm 2019-2020, diện tích lúa dự báo bị ảnh hưởng khoảng 100.000ha, cây ăn trái khoảng 130.000 ha, 100.000 hộ thiếu nước. Nhưng đến thời điểm này, cùng với các giải pháp của bộ, sự vào cuộc quyết liệt của địa phương, người dân, thiệt hại sẽ thấp.
Sự chủ động này ngay từ khi có sự báo, năm 2020 hạn mặn sẽ về sớm, vào sâu và độ mặn cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương chủ động tìm giải pháp hạn chế tác hại.
Tháng 10/2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng kế hoạch chủ động cho sản xuất trồng trọt của vụ đông xuân 2019-2020, trong đó, chủ động xuống lúa giống sớm trước 1 tháng ở các tỉnh ven biển với diện tích trên 400.000ha.
Đối với các vùng cách biển 20-40-60km, ngoài việc bố trí thời vụ xuống giống sớm, còn kèm theo cơ cấu giống lúa. Đối với vùng cách biển 20km, không chỉ xuống giống sớm mà còn sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, dưới 90 ngày, để rút ngắn thời gian cây lúa đứng trên đồng, né hạn, mặn vào cuối vụ.
Kết quả, hầu hết các tỉnh ven biển có diện tích bị thiệt hại trong mùa hạn mặn 2015-2016 đều không bị ảnh hưởng. Riêng Bến Tre, đã chủ động không xuống giống lúa đông xuân với diện tích khoảng 12.000ha. Trong năm 2015-2016, diện tích xuống giống lúa đông xuân là 14.000ha và toàn bộ đều mất trắng.
Các xã Long Bình, Bình Tân (Gò Công Tây - Tiền Giang) đã chủ động xuống giống sớm khoảng 10 ngày với diện tích khoảng 1.000ha, cơ cấu giống thì chọn giống ngắn ngày. Đến nay, lúa đang trổ, lượng nước trong mặt ruộng cao trên 10cm. Với lượng nước như thế này thì đến khi lúa chín, hoàn toàn không thiếu nước.
Tại tỉnh Kiên Giang, diện tích lúa đông xuân đã gieo sạ là 289.059ha, diện tích lúa đang được bảo vệ tốt, một số diện tích gieo sớm đã bắt đầu cho thu hoạch (khoảng trên 23.000ha ở các huyện vùng U Minh Thượng).
Theo ông Phạm Quang Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đã điều chỉnh lịch xuống giống vụ lúa đông xuân sớm hơn 20 ngày. Vì vậy, đến thời điểm này, hầu hết diện tích lúa này ở các huyện Trần Đề, Long Phú cơ bản thu hoạch xong.
Ở vương quốc cây ăn trái Tiền Giang, để hạn chế tác hại của hạn, mặn, nhiều chủ vườn đã chủ động nạo vét, đào sâu thêm mương vườn để trữ nước ngọt. Nhờ đó, cây ăn trái ở đây vẫn xanh tốt. Cùng với đó là rất nhiều cách trữ nước ngọt trong mùa hạn mặn 2020 này, như: mua túi nhựa khủng, đào ao, đào mương lót nylon,... kết hợp xây dựng hệ thống tưới nhỏ giọt.
Xây công trình ngăn mặn
Trước tình trạng hạn mặn, tỉnh Bến Tre yêu cầu các ngành, các cấp địa phương khẩn trương vào cuộc thực hiện ngay các giải pháp trọng tâm trong phòng chống, ứng phó tình huống khẩn cấp xâm nhập mặn. Triển khai ngay các công trình tạm để ngăn mặn, tăng cường tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất…
Do vậy, ngay trong Tết Nguyên đán 2020, Bến Tre đã khẩn trương xây dựng công trình đập tạm ngăn mặn trên sông Ba Lai, đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành (Bến Tre).
Công trình là một giải pháp tạo nguồn nước ngọt, bằng cách ngăn nước biển từ phía sông Giao Hòa chảy lên, kết hợp chặn trên dòng Sông Mã (đoạn từ Sông Hàm Luông đi vào). Từ đó, tạo tuyến sông khép kín có lượng nước ngọt thường xuyên trên sông Ba Lai đoạn từ sông Giao Hòa đến xã An Khánh (huyện Châu Thành) với sức chứa khoảng 5 tỷ mét khối nước.
Các công trình khác như: cống đập ngăn mặn, hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp (tại huyện Ba Tri) với quy mô 60ha có sức chứa gần 01 triệu mét khối nước ngọt thô cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
Cùng với đó, Nhà máy nước Khu công nghiệp Giao Long đã đưa vào sử dụng hệ thống công nghệ xử lý tái sử dụng nước thải công nghiệp; vận hành hệ thống lọc nước RO công suất 3.000m3/ngày đêm và hệ thống quan trắc tự động online nhằm kiểm tra theo dõi chất lượng nước, áp lực và lưu lượng nhằm đảm bảo chất lượng nước khi cấp ra mạng lưới để sử dụng.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết, hiện, tỉnh đã khép kín hệ thống một số tuyến kênh, rạch để ngăn mặn, trữ ngọt, phục vụ nhà máy, sinh hoạt người dân. Nếu giả định mặn ngập sâu toàn tỉnh thì sẽ có giải pháp đắp đập, bơm chuyền lấy nước từ thượng nguồn để cung cấp cho Nhà máy nước Ba Lai, đó là giải pháp căn cơ nhất.
Tại Hậu Giang, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra độ mặn và tiến hành đóng 3 cống hở, 17 cống tròn trên tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh và 43 đập thời vụ ngăn mặn. Đồng thời, đưa vào vận hành 10 Trạm quan trắc tự động độ mặn để phục vụ công tác dự báo nồng độ mặn.
Theo ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Long Mỹ (Hậu Giang), ngay từ tháng 11/2019, Long Mỹ đã tập trung theo dõi nồng độ mặn; nạo vét kênh, mương tích trữ nước; đầu tư, sửa chữa các cống, đập ngăn mặn, thay đổi lịch thời vụ xuống giống, tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm nước.
Nhiều diện tích lúa vụ 3 của nông dân Sóc Trăng đã bị mất trắng. Ảnh: TTXVN.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trong 11 dự án công trình thủy lợi mà Bộ đang triển khai có 5 dự án hoàn thành vượt tiến độ 6-15 tháng, đưa vào vận hành phát huy tác dụng, điều tiết mặn, ngọt hiệu quả, giảm thiểu được thiệt hại.
Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu, các bộ, ngành khác lập Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL. Trong quy hoạch này sẽ đưa ra tất cả cảnh báo, giải quyết bài toán về mặn, ngọt.
Đối với sản xuất nông nghiệp, sẽ xoay trục, hiện nay cơ cấu sản xuất khu vực này là lúa-trái cây-thủy sản, nhưng sau 2020, trục sản xuất sẽ là thủy sản-trái cây-lúa. Như vậy, diện tích lúa sẽ giảm, tăng trái cây, đặc biệt là thủy sản. Muốn xoay được trục này, phải tận dụng được cơ hội, phải xác định nước ngọt, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên. Cùng với đó, hạ tầng nông nghiệp phải phục vụ được nhiệm vụ này.
Nếu thủy lợi không phục vụ được thì không làm được vì hạ tầng quyết định tái cơ cấu. Nếu muốn nuôi tôm mà không có cả nước mặn, ngọt thì không thể nuôi được. Chính vì thế, hạ tầng thủy lợi phải đáp ứng yêu cầu của tái cơ cấu nông nghiệp, quy hoạch thủy lợi phải đáp ứng được cả sản xuất và sinh hoạt. Thủy lợi phải đa mục tiêu chứ không chỉ là tưới tiêu.
Sẽ có nhiều công trình được đầu tư theo hướng điều tiết mặn, ngọt bằng giải pháp là các cống đóng mở chủ động. Việc điều tiết này sẽ góp phần hạn chế việc lấy nước từ nước ngầm, tránh tác động đến sụt lún. Điển hình như Bến Tre, với các công trình và giải pháp hiện nay, dự kiến năm 2024, tỉnh có thể chủ động được việc điều tiết mặn, ngọt.
Cùng quan điểm này, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, phải theo tư duy “thuận thiên” xuyên suốt trong Nghị quyết 120 của Chính phủ, giảm thâm canh lúa để có không gian hấp thu lũ và chuyển dịch hệ thống canh tác ven biển để thích nghi. Nghị quyết này đề cập phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó, ưu tiên số một là quá trình phát triển tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên.
“Tư duy đó cần được nâng tầm bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Sản xuất nông nghiệp cần áp dụng “3 chuyển dịch”: Dịch chuyển lịch thời vụ để “né hạn mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa. Kèm theo đó là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công”, ông Thiện nói.
Đồng quan điểm, TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL, cho rằng, có thể xem trận hạn, mặn lịch sử năm nay là “liều thuốc thử” để củng cố tư duy thích ứng, dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn. Cần đầu tư nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai để chủ động ứng phó. Chủ động thích ứng, nhưng không thể lấy tình trạng hạn, mặn khốc liệt của năm nay và năm 2016 để vẽ ra nhiều dự án rồi vội vã đổ tiền vào các công trình đầu tư hao tiền, tốn của mà hiệu quả thấp.
Những giải pháp công trình rất cần, nhưng các giải pháp phi công trình là không thể thiếu. Chính quyền và người dân không thể ngồi chờ, nhưng cũng không nên đổ tiền vội vã vào các công trình cục bộ. Bài toán cân bằng tổng thể kết hợp giải pháp công trình và phi công trình với yêu cầu “chi phí - lợi ích” và nguyên tắc “không hối tiếc” cần được đặt ra trước tiên cho bất kỳ một quyết định đầu tư công trình nào.
Lâu nay, chúng ta xây dựng hệ thống thủy lợi chủ yếu để thoát lũ, nay nên chuyển sang trữ ngọt và dùng nước tiết kiệm. Về lâu dài, để thích nghi với biến đổi khí hậu, hạn, mặn, trước hết cần tiếp cận linh hoạt đối với quy hoạch sử dụng đất. Cần ưu tiên đầu tư vào vùng lõi lúa gạo của ĐBSCL ở Tứ giác Long Xuyên và lưu vực phù sa sông Tiền, sông Hậu. Phân biệt khu vực trồng lúa trọng yếu và không trọng yếu dựa trên sự phù hợp về sinh thái nông nghiệp, năng suất, tác động của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần áp dụng phân vùng theo không gian, có chính sách hỗ trợ khác nhau ở vùng lõi, vành đai và các khu vực trồng lúa bình thường khác.
Bên cạnh nước ngọt, cần xem nước mặn, lợ cũng là tài nguyên phát triển kinh tế biển, ven biển. Chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế, phát huy vị trí địa-kinh tế, chính trị của đồng bằng. Thích nghi với hạn, mặn, phát triển kinh tế ven biển, kinh tế biển xanh phù hợp.
“Hạn, mặn năm 2020 diễn ra gay gắt hơn năm 2016, nhưng đã được cảnh báo sớm. Thủ tướng Chính phủ đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, mặn, thiệt hại có thể sẽ thấp hơn rất nhiều so với năm 2016 nếu được các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân chủ động, tích cực phòng tránh”, TS. Trần Hữu Hiệp tin tưởng.
Theo kinhtenongthon.vn