ĐBSCL: Đề phòng mặn bất thường do triều cường

Đăng ngày: 28-05-2019 | Lượt xem: 990
Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, đến nay, diễn biến xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã giảm gay gắt, nhưng cần thận trọng với các đợt triều cường kết hợp gió chướng độ mặn có thể tăng cao đột ngột hơn so với dự báo.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, xu thế khí tượng thủy văn đến tháng 10 ở vùng ĐBSCL, ảnh hưởng của El Nino yếu và không kéo dài, nhiệt độ trung bình ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn từ 0,5 đến 1,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong tháng 5 nhiệt độ bình quân cao hơn 1 đến 1,5 độ C so với cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa trong tháng 5 phổ biến thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 10-30%.

Từ tháng 6-10/2019, tổng lượng mưa ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Thời điểm bắt đầu mùa mưa có khả năng muộn hơn so với TBNN (nửa cuối tháng 5). Trong tuần dự báo từ 24/5 đến 31/5 chiều tối có mưa rào và dông rải rác, ngày nắng.

đề phòng mặn bất thường
Ảnh minh họa

Theo Bản tin dự báo nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới nhất của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hiện nay lưu vực sông Mê Công đang vào thời kỳ cuối mùa khô năm 2019. Tiềm năng nguồn nước mùa khô năm 2019 cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long tính đến thời điểm hiện tại gần 5000 m3/s. Dự báo trong tuần tiếp theo nguồn nước về có khả năng ở mức trên 5.000 m3/s, thấp hơn cùng thời kỳ mùa khô năm 2017.

Với đặc điểm nguồn nước như vậy, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam dự báo ở vùng thượng ĐBSCL (bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ) được xem là thuận lợi về nguồn nước so với các vùng khác trên đồng bằng. Dự báo tháng 5/2019, mực nước lớn nhất bình quân ở mức tương đương cùng thời kỳ tuần trăng ở 2018, do ảnh hưởng nền nhiệt độ cao, nhu cầu nước tăng.

Ở vùng giữa ĐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP. Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Các vùng cặp Sông Tiền và Sông Hậu có thể bị ảnh hưởng bởi triều cường. Xâm nhập mặn giảm do bổ sung đáng kể dòng chảy từ mưa trên đồng bằng. Mặn bất thường có thể xảy ra trên phía sông Vàm Cỏ do thời tiết nắng nóng và gia tăng lấy nước ở vùng Đồng Tháp Mười.

Đối với vùng ven biển ĐBSCL gồm ven biển các tỉnh ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) trong tháng 1 và 2 mặn có sâu hơn 5-10km so với 2017-2018. Tháng 5 mưa về muộn, trong tuần dự báo có bổ sung đáng kể dòng chảy từ mưa nên xâm nhập mặn các cửa sông ven biển giảm; tuy nhiên vẫn tiếp tục cần tăng cường công tác giám sát mặn và cần cập các bản tin dự báo thường xuyên, và chủ động tích trữ nước.

Trước tình hình nguồn nước về đồng bằng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo chủ động tiết nước và bơm tát đảm bảo an toàn cho sản xuất vụ Hè Thu. Riêng vùng giữa ĐBSCL cần đề phòng ảnh hưởng mặn bất thường do triều cường; khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn quả, vùng giáp ranh với mặn cần theo dõi chặt chẽ chất lượng nước.

Với các diễn biến dòng chảy về đồng bằng đến hiện nay, dòng chảy cao có sự điều tiết của thủy điện, nền nhiệt độ giảm, mưa đã xuất hiện, dự báo diễn biến xâm nhập mặn trong Tháng 5 khả năng có giảm gay gắt nhưng cần thận trọng nhất là các đợt triều cường kết hợp gió chướng độ mặn có thể tăng cao đột ngột hơn so với dự báo.

Để đề phòng các rủi rỏ do hạn, mặn gây ra, các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý. Tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: