Nhiều diện tích vườn cây ăn trái tại tỉnh Bến Tre đã không còn nước ngọt dự trữ trong mương vườn, nông dân phải lấy nước ngọt từ nơi khác về để tưới cây.
Cụ thể, tại các cửa sông: sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) phạm vi ảnh hưởng sâu nhất 100-110km, thấp hơn 15-16km so với mức sâu nhất năm 2016; sông cửa Tiểu, cửa Đại có phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 60km, sâu hơn 8-10km so với mức sâu nhất của năm 2016; sông Hàm Luông có phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 78km, sâu hơn khoảng 5km so với mức sâu nhất của năm 2016; sông Cổ Chiên phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 70km, sâu hơn khoảng 5km so với mức sâu nhất của năm 2016; sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 70km, sâu hơn 6km so với mức sâu nhất năm 2016; sông Cái Lớn phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 62-65km, thấp hơn khoảng 3km so với mức sâu nhất năm 2016. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn dự báo còn lên cao theo các kỳ triều cường. Do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, xâm nhập mặn có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4-2020.
Đến nay, tổng thiệt hại do hạn mặn gây ra tại ĐBSCL đối với lúa vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 (ảnh hưởng trên 30% năng suất) khoảng 39.000ha (gồm vụ mùa 16.000ha và đông xuân 23.000ha), chiếm khoảng 1,2% so với tổng diện tích gieo trồng, bằng 9,6% so với diện tích bị ảnh hưởng năm 2015-2016. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre có khoảng 5.000ha diện tích lúa bị thiệt hại do xuống giống tự phát, không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Vụ đông xuân 2019-2020 toàn vùng ĐBSCL xuống giống được 1,54 triệu héc-ta lúa, đến nay đã thu hoạch 1 triệu héc-ta lúa. Hiện các diện tích cây ăn trái chưa bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn do được bảo vệ của hệ thống đê bao, bờ bao. Tuy nhiên, nguồn nước ngọt được tích trữ phục vụ tưới cây tại nhiều nơi đang dần cạn kiệt, nếu xâm nhập mặn kéo dài đến tháng 4 sẽ có nhiều diện tích bị ảnh hưởng do thiếu nước.
Theo baocantho.com.vn