Theo báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, dự báo đỉnh xâm nhập mặn tại các cửa sông trong hệ thống sông Cửu Long năm 2021 sẽ diễn ra từ ngày 25-2 đến 4-3, mức độ tương đương hạn mặn năm 2016. Cụ thể, với ranh giới độ mặn 4g/lít (không thể dùng cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt), sông Vàm Cỏ Đông sẽ có phạm vi ảnh hưởng từ 90-100km, sâu hơn từ 5-15km so với mức cao nhất tháng 3-2020. Sông Vàm Cỏ Tây có phạm vi ảnh hưởng từ 125-130km, sâu hơn từ 20-30km so với mức cao nhất tháng 3-2020. Trên sông Hậu, phạm vi ảnh hưởng từ 42-47km, thấp hơn từ 3-8km so với mức cao nhất tháng 3-2020. Sông Cái Lớn có phạm vi ảnh hưởng từ 60-65km, cao hơn từ 1-6km so với mức cao nhất tháng 3-2020…
Dự báo sớm tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đầu năm 2021, các địa phương và các bộ, ngành trung ương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó.
Tại tỉnh Tiền Giang, tỉnh đã cho xây dựng đập thép ngăn mặn, tích trữ nước ngọt trên tuyến kênh Xáng Long Định và 7 đập ngăn mặn khác trên các tuyến kênh, rạch thông qua tuyến đường huyện 35. Các con đập bảo đảm nước tưới cho 128.250ha đất sản xuất nông nghiệp và nguồn nước cấp thêm cho 3 nhà máy nước sinh hoạt phục vụ khoảng 1,1 triệu dân của hai tỉnh Tiền Giang và Long An.
Trong khi đó, tại tỉnh Bến Tre, chính quyền đã khuyến cáo người dân tăng cường tích trữ nước ngọt.
Để tránh hạn mặn, ngay từ tháng 11-2020, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống sớm trên hơn 1,5 triệu héc ta/1,63 triệu héc ta lúa vụ đông xuân 2020-2021. Đến đầu tháng 2-2021, nhiều tỉnh nhiễm mặn như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng đã thu hoạch hơn 200.000ha, sẽ tiếp tục thu hoạch 400.000ha lúa trong tháng 2 và thu hoạch hết trong tháng 3-2021. Năng suất lúa ước đạt 69,31 tạ/ha, tăng 0,96 tạ/ha so với cùng kỳ năm 2020.