Đồng bằng sông Cửu Long: Lo nước ngọt cho vùng hạn mặn

Đăng ngày: 13-02-2020 | Lượt xem: 2821
Theo dự báo của ngành khí tượng - thủy văn, những ngày tới, độ mặn 4‰ sẽ xâm nhập sâu vào các cửa sông từ 45-55km. Trong đó, sông Vàm Cỏ dự kiến nước mặn sẽ vào sâu từ 95-100km. Xâm nhập sâu hơn, nhanh hơn và nồng độ cao hơn khiến năm nay ĐBSCL phải gánh những tác động không hề nhỏ.

Ông Lâm Văn On (huyện Long Phú, Sóc Trăng) chuyển từ sản xuất lúa sang hoa màu bằng cách trữ nước ngọt. Ảnh: TUẤN QUANG

Trữ nước tạm thời cho sản xuất

Theo ghi nhận của phóng viên, tại huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre), ngay từ cuối năm 2019, dự án hồ nước ngọt nằm trên địa bàn các xã Tân Xuân, Phước Tuy, Phú Ngãi được đưa vào sử dụng, với tổng vốn đầu tư khoảng 85 tỷ đồng, từ nguồn vốn của Trung ương và tỉnh Bến Tre. Công suất của hồ chứa khoảng 860.000m3 nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho khoảng 200.000 người tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, mặc dù nước ngọt trong hồ bị nhiễm mặn khoảng 1,4‰, nhưng vẫn đảm bảo sử dụng được, trong khi độ mặn ở bên ngoài luôn xấp xỉ 10‰.

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre đầu tư khoảng 70 tỷ đồng để đắp các đập tạm trên kênh Xáng, ngăn 2 đoạn trên sông Ba Lai (thuộc xã Tam Phước và Tân Phú, huyện Châu Thành), nạo vét sông Mã (xã Sơn Đông, TP Bến Tre) để trữ nước ngọt, ngăn mặn. Riêng 2 đập trên sông Ba Lai hoàn thành sẽ tạo thành một hồ nước ngọt với trữ lượng khoảng 1 tỷ m3 nhằm cung cấp cho các nhà máy xử lý nước của Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre. Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, khẳng định: Các công trình này phát huy hiệu quả và chủ động nguồn nước ngọt sử dụng nên tỉnh sẽ kiến nghị với Chính phủ cho xây thêm hồ chứa nước ngọt tại Ba Tri và Bình Đại trong tương lai.

Tại Long An, ông Phan Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình duy tu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, khơi thông dòng chảy; đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp nước tập trung, bảo đảm nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, nhất là vùng thường xuyên bị thiếu nước. Ngành nông nghiệp chủ động liên hệ với đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa để có kế hoạch vận hành xả nước đẩy mặn trên sông Vàm Cỏ Đông, kịp thời phục vụ sản xuất… 

Trong khi đó, tại Tiền Giang, vùng dự án Ngọt hóa Gò Công đã vận hành các trạm bơm và tổ chức bơm chuyền trữ nước trên các kinh nội đồng và vận động nhân dân tích cực bơm trữ tối đa trên ruộng, ao. Tại vùng dự án Bảo Định, tỉnh đã kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình ngăn mặn, đắp các đập, các cống và ngày 8-2, tỉnh tiến hành đắp đập thép ngăn mặn tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành; phối hợp với tỉnh Long An đắp 6 đập và các cống trên quốc lộ 62 để bảo vệ sản xuất giữa 2 tỉnh Tiền Giang và Long An; kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, mặn trên sông Tiền, sông Năm Thôn và phối hợp với các địa phương giáp ranh để kịp thời cảnh báo cho người dân trong công tác phòng chống. 

Tại Sóc Trăng, bên cạnh những giải pháp phi công trình, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị Bộ NN-PTNT trình Chính phủ xem xét hỗ trợ triển khai các công trình cấp thiết với tổng số vốn đầu tư dự kiến trên 1.300 tỷ đồng. Trong đó, bao gồm đầu tư 3 trạm bơm tại các cống Bà Xẩm, Cái Oanh, Cái Xe để bơm bổ sung nước ngọt cho vùng Long Phú - Tiếp Nhật, đầu tư nạo vét hệ thống các kênh trục tạo nguồn trữ nước ngọt, tăng cường thêm 7 cống ngăn mặn dọc sông Hậu.

Nước sinh hoạt cho người dân

Ngày 12-2, trao đổi với phóng viên, ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết: Ngay từ đầu năm, sở đã chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp cùng với địa phương khảo sát những khu vực khó khăn về nước, đặc biệt là nước sinh hoạt đối với những hộ dân sống khu vực lâm phần. Vận động các hộ dân sử dụng các vật dụng như bồn, lu, kiệu để trữ nước, bên cạnh đó, nâng cấp, sửa chữa các trạm cấp nước hiện có; tăng cường nối dài thêm hệ thống chiều dài đường ống, phục vụ những hộ khó khăn về nước sinh hoạt. Cũng theo ông Triều, về lâu dài cần có giải pháp cũng như mô hình trữ nước ở các trường học, cụm dân cư và hộ gia đình để sử dụng vào mùa khô. 

Tại Bến Tre, Nhà máy nước An Hiệp, Nhà máy nước Sơn Đông và Nhà máy nước Hữu Định thuộc Công ty CP Cấp thoát nước Bến Tre sẽ đảm bảo cung cấp khoảng 70.000m3 nước/ngày đêm phục vụ trên 75.000 hộ dân ở TP Bến Tre, huyện Châu Thành và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh khi hạn mặn kéo dài trong những tháng tiếp theo. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại, cho biết: Năm nay độ mặn hơi cao, người dân gặp khó khăn hơn, một số nhà máy nước trên địa bàn, cùng với Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh đảm bảo cung cấp cho hơn 40.000 hộ dân, với khoảng 137.000 nhân khẩu trong huyện sử dụng. 

Trước tình trạng hạn mặn đang gay gắt và chưa có dấu hiệu dừng lại, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Sóc Trăng (Sóc Trăng Waco) Đặng Văn Ngọ cho biết, trung bình mỗi ngày nhà máy cấp khoảng 10.000m3 nước cho người dân trong tỉnh. Do các nguồn nước bên ngoài đều đã đạt độ mặn trên mức quy định nên không thể lấy nước đưa vào hồ chứa. Nước mặt của nhà máy đang xuống thấp ở mức báo động (chỉ còn khoảng 20% tổng lượng nước), có thể trụ được vài ngày. Để tránh tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt, hiện Sóc Trăng Waco đang triển khai khoan gấp rút cả ngày lẫn đêm thêm 8 giếng ngầm để bù vào lượng nước trong hồ chứa đang cạn dần.

Hạn hán bủa vây, tổng lực ứng phó

Ngày 12-2, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có báo cáo tổng hợp về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL, đề xuất các giải pháp ứng phó. 

Trên lưu vực sông Mê Công, năm 2019-2020 thuộc năm ít nước, lưu lượng về ĐBSCL bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình, thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020. 

Nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình và những năm gần đây. Ảnh hưởng của việc xả thấp từ thủy điện Trung Quốc, dự báo dòng chảy tháng 2-2020 từ thượng lưu sông Mê Công về đồng bằng sẽ ở mức rất thấp. Vì vậy, mặn sẽ xâm nhập sâu trên đồng bằng trong tháng 2, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt ở vùng các cửa sông Cửu Long là từ ngày 8-2 đến 16-2. 

Đến nay, tổng thiệt hại lúa ở các mức độ vụ mùa 2019 và đông xuân 2019-2020 khoảng 29.700ha. Khoảng 332.000ha lúa đông xuân, 136.000ha cây ăn quả khả năng sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020. Hiện nay, khoảng 82.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó Bến Tre 12.700 hộ, Sóc Trăng 24.400 hộ, Kiên Giang 20.400 hộ, Cà Mau 4.500 hộ, Tiền Giang 2.200 hộ. Trong thời gian tiếp theo của mùa khô 2020, có khoảng 158.900 hộ sẽ thiếu nước sinh hoạt.

Nhận định hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn tăng cao hơn trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương đề nghị Chính phủ đưa nội dung liên quan đến việc thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn vào nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; trong đó, bao gồm nội dung hỗ trợ kinh phí từ ngân sách dự phòng trung ương để các địa phương thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; các chi phí cần hỗ trợ: bơm nước, nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng trữ nước, khoan giếng, kéo dài đường ống cấp nước sạch, lắp thêm vòi nước công cộng, các thiết bị trữ nước, lọc nước mặn thành nước ngọt, chở nước sinh hoạt; tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và bảo đảm đời sống dân sinh.

                                                                                          VĂN PHÚC

Theo sggp.org..vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: