Đồng Tháp thiệt hại hơn 8,2 tỉ đồng do sạt lở

Đăng ngày: 28-07-2020 | Lượt xem: 2412
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 7, tình hình sạt lở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có những diễn biến phức tạp, gây thiệt hại hơn 8,2 tỉ đồng.

Trong đó, sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu đã làm mất khoảng 3,06 ha, ước thiệt hại hơn 6,8 tỉ đồng; sạt lở nội đồng cũng đã làm mất hơn 0,4 ha đất, ước thiệt hại khoảng hơn 1,3 tỉ đồng.

Hiện trường một vụ sạt lở ở tổ 16, ấp Long Thới B, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự. 

Ông Huỳnh Minh Đường, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, tình hình sạt lở bờ sông trong những năm gần đây hết sức phức tạp gây ra nhiều thiệt hại, sạt lở mạnh xảy ra ngay cả trong mùa khô. Theo thống kê từ năm 2005 - 2019, tổng diện tích đất sạt lở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp khoảng 329,1 ha, bình quân 21,9 ha/năm, thiệt hại ước tính 405,7 tỉ đồng. Sạt lở cũng làm chết một người.

Ông Huỳnh Minh Đường cho biết thêm, qua khảo sát, từ năm 2015 đến 2019, bình quân diện tích sạt lở giảm, còn khoảng 9,33 ha/năm. Từ đầu năm 2020 đến nay, sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu xảy ra tại 16 xã, phường, thị trấn của 4 huyện, thị xã, thành phố (huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, Hồng Ngự và thành phố Cao Lãnh) với chiều dài khoảng 29,3 km.

Thời gian tới, sạt lở bờ sông Tiền dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguy cơ sạt lở có khả năng xảy ra tại 35 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, khu vực xảy ra sạt lở mạnh ở các đoạn bờ sông thuộc khu vực các xã Long Khánh, Long Thuận, Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự); phường An Lạc (thị xã Hồng Ngự); các xã Tân Quới, Tân Bình, An Phong (huyện Thanh Bình); các xã Hòa An, Tịnh Thới, Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh); xã An Hiệp (huyện Châu Thành); hai xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò).

Hiện nay, trên toàn tỉnh Đồng Tháp có 6.400 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn. Trong đó, hơn 3.915 hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở, cách bờ sông 30 m; gần 2.500 hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở từ 30 - 60 m. Trước tình hình trên, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, Đồng Tháp đã và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm, tuyến dân cư nhằm đảm bảo mặt bằng bố trí dân cư khi mùa lũ về. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có công văn kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng 23 cụm tuyến dân cư mới, trong đó đề xuất ưu tiên trước mắt đầu tư 6 cụm tuyến dân cư để di dời 1.900 hộ dân trong vùng sạt lở đến nơi ở an toàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp theo dõi, diễn biến sạt lở, triển khai các dự án trọng điểm bảo vệ bờ sông Tiền ở huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Châu Thành và thành phố Cao Lãnh, thành phố Sa Đéc; thực hiện Dự án "Đo đạc, giám sát đánh giá ổn định bờ sông tiền và thiết lập hành lang sạt lở tại khu vực đông dân cư và cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp" để chủ động phòng chống sạt lở hiệu quả.

Các sở, ngành, địa phương tại tỉnh Đồng Tháp tiến hành rà soát, quản lý quy hoạch nghiêm cấm xây dựng các công trình, kho tàng, nhà ở dọc bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở; quản lý khai thác cát sông; tổ chức cắm biển báo khu vực đang bị sạt lở, vận động, hỗ trợ người dân  trong khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: