Giải pháp nào ứng phó với dông lốc, mưa đá?

Đăng ngày: 02-01-2021 | Lượt xem: 1132
Cùng với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ở khu vực miền núi những năm gần đây xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, mưa đá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do dông lốc, mưa đá gây ra thì việc chủ động phòng ngừa vẫn là giải pháp đặc biệt quan trọng.

Mưa đá xảy ra liên tiếp ở diện rộng

Ông Trần Quang Năng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, tùy theo từng vùng, miền, thời gian xảy ra hiện tượng dông nhiều ở mỗi địa phương một khác nhau. Mặc dù vậy, nhìn chung ở nước ta mùa dông thường bắt đầu từ cuối tháng 3 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12. Lốc thường xảy ra trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 10. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong mùa Đông hầu như không có hiện tượng này. Lốc xoáy thường xảy ra vào mùa Hè, nhất là ở những vùng núi và vùng sát biển. Ở Nam Bộ, hiện tượng gió lốc trong mùa Hè không phổ biến như ở Bắc Bộ và Trung Bộ.

“Lên dây cót” phòng ngừa

Cùng với dông lốc, các địa phương miền núi thường chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa đá. Đặc biệt là năm 2020, chỉ trong 4 tháng đầu năm đã xảy ra nhiều trận mưa đá liên tiếp ở các địa phương, diễn biến phức tạp. Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 diễn ra chiều ngày 15/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã phải thốt lên: Mưa đá đổ trắng trời, chưa năm nào dị thường như thế!

Trái với quy luật thời tiết nhiều chục năm qua, ngay thời khắc chuẩn bị đón chào năm mới 2020, tối 24/1 (tức 30 Tết âm lịch), một số tỉnh miền núi như: Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn đã có dông lốc và mưa đá, đường kính trung bình mỗi viên đá từ 1 - 3cm.

Tiếp đó, ngày 3/3, ngày 17/3 và các ngày 20, 23, 24/3, mưa đá, dông lốc lại tiếp tục xảy ra trên diện rộng, khiến người dân các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu điêu đứng. Đây là những trận mưa đá mà theo nhiều già làng, trưởng bản nhận xét thì: “Chưa bao giờ thấy mưa đá nhiều và liên tiếp như vậy”.

Theo các chuyên gia khí tượng thì rất khó nhận biết và dự báo khi nào sẽ có mưa đá. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại do mưa đá gây ra thì việc chủ động phòng ngừa vẫn là giải pháp chính.

Để chủ động ứng phó mưa đá, khi xảy ra mưa đá, người dân nên tìm chỗ trú ẩn an toàn, tập trung ở những ngôi nhà mái bằng, mái tôn kiên cố. Nếu ở trong nhà lợp Fibroxi măng thì nên tìm nơi có thể “trốn” được như: Gầm bàn, gầm giường, tìm các vật cứng để che đầu đề phòng đá rơi vỡ ngói.

Về lâu dài, để đề phòng mưa đá có thể xảy ra, quá trình xây dựng nhà cửa, bà con nên lưu ý kết cấu khung mái, xà gồ phải sử dụng vật liệu chịu lực tốt, chống ăn mòn, được gia cố cẩn thận. Khi làm mái nhà, nên thiết kế dốc nhiều xuống hai bên, cách dựng mái nhà này sẽ làm giảm lực tác động từ mưa đá, giúp giảm thiệt hại do mưa đá gây ra.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: