Đoạn đường bị sạt lở đất làm ách tác giao thông tại huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: TTXVN phát)
Việt Nam có tới 3/4 lãnh thổ thuộc khu vực miền núi với địa hình sườn dốc cao, thế nhưng hoạt động phát triển kinh tế-xã hội chưa được quy hoạch hợp lý, nên các hiện tượng thiên tai như trượt lở đất đá, “tai biến địa chất,” lũ quét vẫn thường xuyên xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng...
Vì thế, theo các chuyên gia địa chất, giải pháp cấp thiết cần hướng đến là nâng cao khả năng cảnh báo sớm và chi tiết hơn từng vị trí có nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét, để giảm các thiệt hại có thể xảy ra.
Hàng nghìn điểm có nguy cơ sạt lở cao
Từ năm 2012, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam đã thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam,” với phạm vi thực hiện tại 37 tỉnh, thành phố. Đến năm 2020, đơn vị nghiên cứu đã hoàn thành việc xây dựng và thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở 25 tỉnh và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá ở 15 tỉnh.
Kết quả cho thấy chỉ tính ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trên địa bàn 15 tỉnh được điều tra hiện có 116 huyện, 730 xã có nguy cơ cao lũ quét; 136 huyện, 1.226 xã có nguy cơ cao sạt lở đất; 123 huyện, 559 xã có nguy cơ cao sạt lở bờ sông bờ suối.
Các vị trí có nguy cơ lũ quét, trợt lở thường nằm ở sườn dốc các núi tạo hướng chắn gió dễ tạo ra mưa lớn; sườn dốc lớn như ven sông, suối khu vực hạ lưu; các nhà ở, công trình do đào chân núi nằm dọc theo các đường giao thông.
Dựa trên thông tin do đơn vị nghiên cứu cung cấp, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn) đã tiến hành cảnh báo trượt lở đất trước nhiều giờ tại khu vực có nguy cơ cao. Tuy nhiên, trên thực tế, cảnh báo này mới dừng lại ở cấp huyện. Ví dụ, huyện nào có nguy cơ cao, rất cao... chứ chưa chi tiết đến các điểm cụ thể. Do đó, hiệu quả cảnh báo được đánh giá chưa cao.
Trong khi đó, những năm gần đây các loại hình thiên tai trên đã xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Điển hình như trận mưa lớn xảy ra sáng 30/11/2021, tại đèo Khánh Lê, Quốc lộ 27C (đường Nha Trang - Đà Lạt) đã gây sạt lở khoảng 10.000m3 đất, đá xuống toàn bộ mặt đường.
Hay như tại Bình Định, trong các ngày 15, 16/11/2021, mưa lớn cũng đã gây ra sạt lở nghiêm trọng tại khu vực núi Cấm (xã Cát Thành, huyện Phù Cát), khiến người dân hoảng hốt tháo chạy. Hai trận sạt lở này đã khiến đất đá và bùn non bị nước cuốn trôi bồi lấp khoảng 70 nhà dân, có một số nhà dân bị đất bồi sâu gần 1m.
Trước đó, chiều 28/10/2020, một vụ sạt lở đất thảm khốc ở nóc (thôn) ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, đã vùi lấp 15 ngôi nhà. Theo thông tin từ phía Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My, vụ sạt lở đất đã khiến 9 người chết, 33 người bị thương, 13 nạn nhân mất tích chưa được tìm thấy.
Sạt lở đất đe dọa nhiều nhà dân tại tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2021. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)
Xa hơn, rạng sáng 12/10/2017, tại xóm Khanh (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, vùi lấp gần 20 người và 7 nhà dân…
Nâng cảnh báo sớm, chi tiết hơn
Dù là một loại hình thiên tai nguy hiểm, thường xuyên xảy ra và Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam,” song để dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời về thời gian, địa điểm xảy lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn là bài toán khó.
Trăn trở trước thực trạng trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết vừa qua, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã ứng dụng thành công việc phân tích ảnh viễn thám trong đánh giá hiện trạng trượt lở đất đá ở vùng miền núi.
Công tác kiểm chứng thực địa các khối trượt giải đoán từ ảnh viễn thám đã xác định được với độ chính xác trên 80%. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn có thể có sai số, bởi sự chênh lệch giữa thời gian thu nhận ảnh và thời gian kiểm chứng thực địa.
Ngoài ra, theo Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ tài nguyên và Môi trường), đến nay, một số dự án quan trọng khác liên quan đến việc xây dựng các nhà điều hành, trạm quan trắc phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và biến đổi khí hậu cũng đang bị chậm so với tiến độ do tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục…
Cho rằng nguyên nhân dẫn tới các dự án bị chậm tiến độ có cả khách quan và chủ quan, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà yêu cầu các đơn vị liên quan cần nhanh chóng có giải pháp "ngay trước mùa mưa." Từ khi phê duyệt dự án cho đến khi kết thúc cần phải chia khối lượng công việc và cam kết đảm bảo lộ trình thực hiện.
Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng để nâng tính chính xác trong đánh giá trượt lở đất đai, ngoài việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như ảnh viễn thám, cần có sự kiểm tra, đối sánh với các tài liệu khác hiện có và kiểm chứng từ thực địa. Đặc biệt, hoạt động cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi cần phải tập trung làm điểm và đặt mục tiêu giảm được tỷ lệ sạt lở trong 10 năm tới.
Thừa nhận Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng), đại diện Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ tài nguyên và Môi trường) cho biết trước mắt đơn vị này sẽ tập trung tăng cường phát triển hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng tự động; tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc xây dựng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo ngắn cho khu vực miền núi.
Ngoài ra, Tổng cục Khí tượng thủy văn sẽ triển khai xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét; cùng với đó là nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất./.
Hùng Võ (Vietnam+)