Thời tiết giá rét khiến trâu của bà con bị chết tại xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN
Trước tình hình rét đậm, rét hại, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo người dân cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, khách du lịch, học sinh, nhất là tại các trường nội trú ở vùng núi cao. Đó là hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín, đồng thời, căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại từng địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học.
Mùa đông khắc nghiệt với giá rét, sương muối, thậm chí cả băng tuyết khiến cho việc học tập của học sinh vùng cao Lào Cai càng khó khăn hơn. Thấu hiểu điều đó, thầy giáo Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Bát Xát đã có sáng kiến chế tạo Hệ thống đun nước nóng cho học sinh sử dụng, góp phần giúp học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở rẻo cao Bát Xát vượt qua những ngày giá rét, đảm bảo sức khỏe để học tập.
Thầy Quế tâm sự: “Trước đây, khi còn công tác ở Trường Trung học Phổ thông Văn Bàn 4, tôi đã từng nghiên cứu đề tài tận dụng nhiệt thừa khi nấu ăn làm bình nóng lạnh theo nguyên tắc đối lưu nhưng còn hạn chế là lượng nước ít, chỉ khoảng 150 - 200 lít, học sinh phải ngồi trực tiếp đun bếp vất vả, lại không liên tục. Trong một lần đun bếp, tôi chợt nhớ ngày nhỏ thường vùi trấu nấu cám nuôi lợn giúp bố mẹ, dù chỉ sử dụng lượng trấu nhỏ nhưng sau một đêm vùi trấu, nồi cám 30 - 50 lít không chỉ sôi chín mà còn rất nhừ. Điều đó trở thành cơ sở để tôi nghĩ ra nguyên tắc ủ nước nóng cho học sinh. Nghĩ là làm, ngay sau đó, tôi đã cùng các thầy, cô giáo khác trong trường xây công trình cấp nước nóng miễn phí cho học sinh như hiện nay”.
Bộ đội Đồn biên phòng Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) giúp dân che chắn chuồng tránh rét cho đàn trâu. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN
Các đợt rét đậm, rét hại trong giai đoạn này khả năng kéo dài 5 - 7 ngày (từ ngày 13 - 17/1) ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ. Các chuyên gia nông nghiệp khuyến cáo, người chăn nuôi tu sửa, gia cố chuồng trại đủ ấm để tránh gió lùa; bổ sung cho gia súc gia cầm thức ăn tinh và cho uống nước ấm; không chăn thả trâu, bò, dê ngựa ngoài đồng bãi chăn; giám sát, theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện các biểu hiện do ảnh hưởng của gió rét, dịch bệnh, báo cáo với chính quyền cơ sở và cơ quan thú y để nhanh chóng có biện pháp xử lý hiệu quả.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động phòng chống rét và dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là diện tích mạ, đảm bảo gieo cấy theo kế hoạch; yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục rà soát thống kê thiệt hại, theo dõi diễn biến thời tiết, giữ liên lạc 24/24 giờ, kịp thời báo cáo khi có thiệt hại xảy ra.
Người dân xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) đốt lửa sưởi ấm trong sáng sớm. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN
Tình hình rét đậm, rét hại kèm theo mưa phùn đang làm ảnh hưởng đến an toàn cho đàn gia súc. Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện trâu, bò chết do rét đậm, rét hại. Trong đó, huyện miền núi Con Cuông đã có ít nhất 35 con gia súc bị chết, huyện Quế Phong có trên 100 con gia súc bị chết, các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ cũng đã có trên 45 con gia súc bị chết.
Tỉnh Nghệ An đang khuyến cáo nông dân thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ an toàn đàn gia súc trước diễn biến của thời tiết rét đậm, rét hại, trong đó có việc tuyệt đối không thả rông gia súc trong rừng. Cùng với đó, tỉnh nhân rộng các mô hình hay trong việc phòng chống rét cho gia súc, như đốt lửa gần chuồng nuôi, tăng chất dinh dưỡng và bổ sung nước muối trong khẩu phần ăn hàng ngày cho gia súc.
Tuy nhiên hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh, nhất là tại các huyện miền núi, công tác phòng chống rét cho gia súc gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do nông dân tự thực hiện. Trong khi đó, thói quen, tập tục thả rông gia súc trong rừng, ít được chăm sóc về công tác thú y, kỹ thuật nuôi đang tồn tại ở nhiều hộ nông dân miền núi.
Theo TTXVN