Hạn giữa mùa mưa

Đăng ngày: 15-07-2021 | Lượt xem: 1867
Mùa mưa đến từ lâu nhưng nhiều khu vực ở Tây Nguyên vẫn xảy ra tình trạng hạn hán cục bộ (hạn bà chằn), khiến hàng chục nghìn héc-ta cây trồng bị thiêu đốt đến xác xơ.

Anh Sùng Seo Tú bị thiệt hại hơn 70 triệu đồng do hạn hán giữa mùa mưa

Chuyện xưa nay hiếm

Lần đầu tiên, cánh đồng lúa rộng hơn 90 héc-ta thuộc xã Đắk Wil (huyện Cư Jút, Đắk Nông) gặp hạn bà chằn. Khu vực này không có công trình thủy lợi, hằng năm, người dân chỉ sạ lúa một vụ, nguồn nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. Hạn hán bất ngờ, người dân xoay xở không kịp, đành nhìn ruộng lúa cháy rụi. Theo UBND xã Đắk Wil, toàn bộ diện tích trên đều nằm trong kế hoạch gieo trồng hằng năm. Tuy nhiên, khi người dân xuống giống được hơn 1 tháng không có mưa khiến 94 ha lúa bị cháy, gần như mất trắng.

Hạn giữa mùa mưa cũng là chuyện xưa nay hiếm tại xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk). Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Ea Siên, hiếm khi địa phương xảy ra hạn hán cục bộ giữa mùa mưa. Nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của địa phương phụ thuộc vào 2 hồ thủy lợi Ea Mích, Ea B’Lang, nhưng 2 công trình này đã nhiều năm không được nạo vét, nâng cấp. Hiện, gần 2.000 héc-ta cây trồng các loại, chủ yếu là lâu năm (cà phê, hồ tiêu, mắc ca…) bị khô héo; trên 7.500 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Trông chờ công trình thủy lợi

Khác với nhiều địa phương trên, Ea Súp là huyện vùng biên thường xuyên hứng chịu thiên tai nhất tỉnh Đắk Lắk, trong đó có tình trạng hạn giữa mùa mưa.

Bên ruộng lúa khô cháy, anh Sùng Seo Tú (thôn 16, xã Cư K’bang) cho biết, nhà có 2,5 sào lúa, gieo từ đầu tháng 5 nhưng đã héo trụi. “Cả tháng nay, chỗ tôi chỉ có vài trận nhỏ, không đủ thấm đất. Hồ chứa nước không có, suối lại ở xa, nên không có cách gì cứu được”, anh Tú trầm tư. Không chỉ lúa bị cháy, 5 ha mì (sắn) mà anh Tú thuê đất để trồng cũng “đứng như trời trồng”. Anh Tú nhẩm tính vụ này lỗ hơn 70 triệu đồng tiền đầu tư.

Tương tự, bà Lý Thị Kỉm (thôn 11, xã Cư K’bang) trồng hơn 1,6 ha mì chia sẻ: “Chưa khi nào trời thất thường như năm nay. Đầu mùa mưa, trời trút nước ầm ầm kèm dông sét, lốc xoáy gây thiệt hại nhà cửa. Sau đó, trời “tắt” mưa hẳn, cây mì không ngóc đầu lên nổi. Mì nhà tôi đã chết khoảng 70% rồi”.

Ông Cao Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Cư K’bang cho biết, địa phương có hơn 3.100 ha cây trồng ngắn ngày (lúa, ngô, khoai, sắn…) bị hạn; trong đó hơn một nửa gần như mất trắng. Cư K’bang thuộc xã vùng III, vùng đặc biệt khó khăn. Toàn xã có khoảng 2.400 hộ dân (gần 13.000 nhân khẩu), 98% dân số là đồng bào Tày, Nùng, Mông… Nguồn sống của người dân phụ thuộc vào canh tác nông nghiệp, song khu vực này chưa có công trình thủy lợi. UBND tỉnh Đắk Lắk đã khảo sát, lập dự án xây dựng hồ chứa nước Ea Khal nhưng đến nay chưa triển khai.

Ông Nguyễn Bá Bân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ea Súp (Đắk Lắk) thông tin, toàn huyện có hơn 9.000 ha cây trồng (chủ yếu cây ngắn ngày) bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều diện tích bị mất trắng. UBND huyện đã báo cáo thiệt hại do hạn hán lên UBND tỉnh với mong muốn sớm có phương án hỗ trợ thiệt hại kịp thời cho người dân. Theo quy định, với cây hằng năm bị thiệt hại do thiên tai với mức độ từ 30-70% trở xuống, sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/héc-ta; trên 70% thì được hỗ trợ 2 triệu đồng/héc-ta…

“Để giải quyết dứt điểm tình trạng hạn hán, nhất là hạn giữa mùa mưa, chính quyền và người dân rất mong các bộ ngành trung ương sớm cho triển khai dự án hồ chứa nước Ea Khal. Dự án này đã được các cơ quan chức năng của tỉnh, chủ đầu tư khảo sát, lập kế hoạch từ lâu, nếu được đầu tư sẽ cấp nước cho 5.000 ha đất canh tác của hai xã Cư K’bang và một phần xã Ea Rốk (huyện Ea Súp)”, ông Nguyễn Bá Bân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ea Súp nói.

Theo Cty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, dù đã bước vào mùa mưa, song do lượng mưa thấp và phân bố không đều khiến nguồn nước ở nhiều công trình giảm mạnh. Cá biệt mực nước ở nhiều hồ lớn đã xuống dưới mực nước chết như: hồ Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), hồ Ea Bư (huyện Ea Kar), hồ Ya Chlơi (huyện Ea Súp), hồ Bảy Thiện (huyện Krông Năng).

Theo báo Tiền Phong

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: