Hạn giữa mùa mưa, hàng chục nghìn ha cây trồng bị thiệt hại

Đăng ngày: 26-08-2021 | Lượt xem: 2433
Hạn hán kéo dài tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã gây thiệt hại đến năng suất cây trồng, chi phí sản xuất của người dân.

Nhiều diện tích lúa của người dân bị khô hạn, trơ đáy. Ảnh: Tuấn Anh.

Chết mòn trong khô hạn

Gia Lai đang bước vào mùa mưa, nhưng tại huyện Krông Pa nắng nóng vẫn kéo dài, chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Những ngày qua, người dân ngóng chờ mãi không thấy mưa xuất hiện, đất đai ngày càng khô khốc, cây trồng héo rũ.

Gia đình bà Trương Thị Thịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) trồng hơn 1ha khoai mì ngày nào cũng hy vọng có cơn mưa để vườn cây được cứu sống. Bà Thịnh cho biết, nắng nóng kéo dài đã làm thiệt hại nhiều diện tích cây trồng của gia đình và ngươi dân tại xã Phú Cần. “Khi gia đình tôi trồng được một thời gian ngắn thì nắng nóng kéo dài khiến cây mì héo rũ rồi chết dần. Những cây mì trụ lại được thì không có củ, xem như mùa vụ năm nay thất bại”, bà Thịnh chia sẻ.

Tại huyện Kbang những ngày qua đã xuất hiện cơn mưa nhưng nhiều người dân lại cảm thấy không vui khi tiếc nuối giá như cơn mưa đến sớm hơn thì có thể cứu vãn phần nào diện tích cây trồng của gia đình.

Gia đình vụ này gieo trồng 5 sào lúa, bà Vi Thị Tiệp (xã Tơ Tung, huyện Kbang) ngán ngẩm cho biết, gần tháng trước có xuất hiện cơn mưa, gia đình bà tiến hành cày bừa, gieo trồng vụ hè thu (vụ chính). Nhưng từ đó trở đi, trời càng nắng nóng, hanh khô, đất đai khô khốc, nứt nẻ, lúa héo rũ.

Để cứu vãn tình hình, gia đình bà Tiệp phải đặt máy bơm, kéo ống tưới từ suối lên ruộng lúa. Tuy nhiên, do nguồn nước có hạn chỉ đủ tưới cho đám ruộng gần suối, còn 2 sào lúa ở cao không thể cứu được. “Gia đình tôi dự tính phá ruộng lúa để trồng cây khác, nhưng khi nhìn thấy con trai có 3ha ngô bị chết do hạn hán, ruộng khoai mì của nhiều người dân cũng không sống nổi nên tôi từ bỏ ý định”, bà Tiệp chia sẻ.

Theo bà Tiệp, những năm trước có nắng nóng nhưng mưa cũng nhiều, còn năm nay khô hạn kéo dài, buộc gia đình bà phải tốn thêm chi phí thuê máy đào đất và tiền điện bơm nước. Trong khi những năm trước thu hoạch được 40-50 bao lúa thì năm nay năm suất lúa của gia đình bà giảm gần một nửa.

Khô hạn khiến diện tích ngô của gia đình ông Trung bị chết khô. Ảnh: Tuấn Anh.

Đứng trên đám ngô trồng xen giữa cây macca, ông Triệu Văn Trung (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) không thể ngờ rằng, 6 sào ngô của gia đình chỉ thu được một tạ hạt, trong khi năm ngoái sản lượng đạt 1,8 tấn.

Gia đình ông Trung có 6ha trồng các loại cây như mía, macca, ngô, lúa, tuy nhiên năm nay mới đầu mùa vụ ao đã cạn kiệt, nước chỉ đủ tưới cho 2 sào ruộng. Mía và ngô không có nước, chậm phát triển, nhiều diện tích bị chết khô.

"Vụ này, diện tích trồng ngô gần như mất trắng, chỉ mong những ngày tới mưa nhiều để giúp cây lúa, mía đủ nước phát triển trở lại", ông Trung cho biết.

Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Kbang, hạn hán khiến hơn 2.100 ha cây trồng bị thiệt hại. Trong đó, lúa khoảng 87 ha (5,7 hachết hoàn toàn), ngô hơn 400 ha (hơn một nửa bị hư hại hoàn toàn), còn lại đậu, mì, cà phê, mía, rau củ. Ước tổng thiệt hạigần 19 tỷ đồng.

Trong khi đó, huyện Krông Pa là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi khô hạn kéo dài. Qua thống kê rà soát vào đầu tháng 8, tổng diện tích gieo trồng của huyện gần 37 ngàn ha cây trồng thì bị thiệt hại hơn 16 ngàn ha.

Trong đó, hơn 12 ngàn ha cây trồng bị thiệt hại trên 70% diện tích, tập trung nhiều nhất ở cây khoai mì, ngô và rau màu với gần 12 ngàn ha, còn lại cây công nghiệp 225 ha, cây lúa gần 66 ha. Tổng thiệt hại về sản xuất ước hơn 120 tỷ đồng.

Người dân phải tận dụng nguồn nước từ những ao hồ nhưng vẫn không đủ tưới. Ảnh: Tuấn Anh.

Đánh giá về tình hình khô hạn kéo dài, ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kbang cho biết, từ giữa tháng 5 đến nay, trên địa bàn xuất hiện 3 đợt mưa đã cơ bản cứu được nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nhẹ. Còn đối với diện tích cây trồng bị thiệt hại hoàn toàn thì không thể phục hồi.

Trước tình hình khô hạn kéo dài, ngành nông nghiệp huyện Kbang khuyến cáo người dân chỉ xuống giống các loại cây trồng khi đất đủ độ ẩm, tuyệt đối không chờ mưa. Huyện cũng sẽ hướng dẫn nông dân tận dụng bơm nước tại các ao, hồ, sông, suối lân cận để chống hạn, giảm thiệt hại.

Với tình trạng khô hạn kéo dài, UBND huyện Krông Pa đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo người dân thực hiện gieo trồng, chủ động giống trồng dặm, trồng lại các diện tích bị thiệt hại. Trong khi đó, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi tăng cường biện pháp quản lý chặt chẽ lượng nước trong hồ, thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước hiệu quả để chống hạn. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn cần hướng dẫn người dân chống hạn, chuyển đổi cây trồng để phù hợp với thời tiết khí hậu tại địa phương.

Theo Báo Nông nghiệp

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: