Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Sông Chu - Chi nhánh thủy nông huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) vận hành trạm bơm chống hạn. Ảnh: HOÀI THU
★ Cũng theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, khu vực Nam Bộ trong bảy ngày tới lượng mưa phổ biến từ 30 đến 80 mm, có nơi trên 100 mm. Tổng lượng về đầu nguồn sông Cửu Long ít biến đổi và ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 15%.
★ Theo Ðài Khí tượng - Thủy văn Thanh Hóa, từ ngày 21 đến 30-6, tỉnh tiếp tục có nắng nóng gay gắt, độ ẩm thấp nhất trong không khí sẽ xuống 40 đến 50%. Nắng nóng khiến hàng nghìn héc-ta lúa tại tỉnh Thanh Hóa khô hạn. Trong đó có khoảng 500 ha lúa có nguy cơ mất trắng. Ngành nông nghiệp dùng mọi biện pháp tưới nước nhưng gặp khó khăn vì ao, hồ đã cạn. Nếu những ngày tới không có mưa, nhiều diện tích lúa sẽ bị mất trắng.
★ Chiều 21-6, tại xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) xảy ra cơn mưa kéo dài kèm theo giông lốc đã làm hư hỏng 12 căn nhà, trong đó hai nhà bị sập, rất may không có thiệt hại về người. Chính quyền xã đã huy động lực lượng cùng nhân dân giúp đỡ các hộ dân khắc phục hậu quả, đồng thời rà soát thiệt hại để tham mưu UBND huyện hỗ trợ.
★ Theo báo cáo của ngành chức năng TP Bảo Lộc (Lâm Ðồng), mưa lũ, sạt lở những ngày qua tại địa phương gây thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.
★ Hiện, tỉnh Hậu Giang có hơn 700 ha lúa hè thu bị đổ do mưa lớn, thiệt hại năng suất lúa từ 3 đến 5%. Ðồng thời, khoảng 16 ha lúa giai đoạn mạ ở huyện Long Mỹ bị ngập úng với tỷ lệ 10 đến 30%. Ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương khẩn trương bơm thoát nước để hạn chế thiệt hại...
★ Chiều 20-6, tại thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh (Bình Thuận) xảy ra mưa lớn kèm dông sét làm một người chết khi đang chăn trâu. Chính quyền địa phương cùng nhân dân đã đến thăm hỏi, hỗ trợ gia đình bị nạn.
★ Trong hai ngày qua, tại các huyện Năm Căn, Trần Văn Thời (Cà Mau) xảy ra hai vụ sạt lở với tổng chiều dài 35m làm ảnh hưởng đến hai căn nhà và một vụ dông lốc làm sập hai căn nhà. Ước tổng thiệt hại 48 triệu đồng.
★ Tổng số lợn mắc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và đã tiêu hủy tại tỉnh Thừa Thiên - Huế là 8.070 con. Ngành nông nghiệp đã cấp hơn 50 nghìn lít hóa chất, 377 tấn vôi; lập 63 chốt để chốt chặn, kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào vùng dịch... Tỉnh Kon Tum có 82 cơ sở giết mổ động vật đang hoạt động. Trong số này có năm cơ sở giết mổ tập trung và 77 cơ sở nhỏ lẻ. Hiện mới có chín cơ sở giết mổ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm... Ngày 20-6, ngành nông nghiệp tỉnh Long An phối hợp chính quyền thị xã Kiến Tường triển khai giải pháp hạn chế lây lan DTLCP. Ðây là ổ dịch thứ hai tại tỉnh Long An. Ðến nay, tỉnh Ðồng Tháp có 6.447 con lợn nhiễm DTLCP với khối lượng 462.112 kg. Ngành chăn nuôi tỉnh đã xuất thêm 15 nghìn lít Benkocid từ nguồn dự trữ quốc gia để cấp phát cho các huyện, thị, thành phố thực hiện công tác vệ sinh, khử trùng tại các ổ dịch. Tính đến ngày 20-6, số lợn bị tiêu hủy do DTLCP tại tỉnh Cà Mau là 281 con.
Theo nhandan.com.vn