Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (SIWRR), dòng chảy mùa khô năm 2019-2020 từ thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL có khả năng ở mức thấp kỷ lục, nên xâm nhập mặn mùa khô của khu vực là rất nghiêm trọng (đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài), ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
Hàng ngàn ha lúa đang chết khô
Báo Người lao động đưa tin, những ngày qua, hơn 5.400 ha lúa vùng Bắc Quốc lộ 1 (tỉnh Bạc Liêu) đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Tiểu vùng ngọt sản xuất rau màu cũng bị ảnh hưởng nặng. Đi đôi với khô hạn, xâm nhập mặn sớm dẫn đến nguy cơ có 5.000 ha nuôi tôm bị thiệt hại.
Thiệt hại nặng nhất là vùng ngọt hóa trên địa bàn thị xã Giá Rai, nơi có hàng ngàn ha lúa đang đối mặt với nguy cơ chết khô. Ngành chức năng thị xã Giá Rai ước tính đến thời điểm này, thiệt hại do khô hạn trên vùng ngọt hóa là khoảng 80 tỉ đồng. Nếu không dẫn nước ngọt về kịp thời thì thiệt hại sẽ rất khó lường
Hạn, mặn đã khiến hàng ngàn hecta trồng lúa chết khô.
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng loạt kênh thủy lợi vùng ngọt hóa thuộc địa bàn thị xã Giá Rai đã cạn trơ đáy. Nặng nhất là kênh Chống Mỹ (ấp 19, xã Phong Tân, thị xã Giá Rai) cung cấp nước ngọt cho vùng lúa hàng trăm ha của xã. Để cứu lúa trong thời gian chờ ngành chức năng điều tiết nước ngọt, nhiều hộ dân chấp nhận vét chút nước còn sót lại dưới đáy kênh vốn đã nhiễm phèn để tưới tiêu vì không còn cách nào khác.
Cũng như hàng trăm hộ nông dân vùng ngọt hóa Giá Rai, gia đình ông Nguyễn Văn Việt (ở ấp 19, xã Phong Tân) vừa xuống giống 10 ha lúa được 20 ngày, nay như đang ngồi trên lửa vì nước trong ruộng đang khô dần, trong khi nước kênh đã cạn trơ đáy. "Tình trạng này chỉ cầm cự được khoảng một tuần nữa thôi. Hy vọng ngành chức năng sớm đưa nước từ Ngã Năm (Sóc Trăng) về kịp để cứu được phần nào. Thời điểm gieo sạ chúng tôi không nghĩ nước khô nhanh đến vậy" - ông Việt lo lắng.
Được dự báo từ SIWRR, trước Tết nguyên đán, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị UBND huyện Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 đóng cửa cống Vũng Liêm nhằm bảo đảm nguồn nước cho sản xuất và dân sinh.
Theo ông Huỳnh Quang Thọ, nông dân ở xã Quới An, huyện Vũng Liêm, tranh thủ những ngày mặn giảm, ông đã nạo vét nhiều mương, ao trữ nước ngọt. "Thời gian độ mặn lên từ 7-10 ngày, sau đó giảm nên việc trữ nước ngọt trong mương sẽ đủ nước cho cây trồng trong thời gian mặn xâm nhập. Ở đây ai cũng có kinh nghiệm đối phó khi có mặn vô" - ông Thọ nói.
Hàng nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt
Thông tin trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Cuối tháng 1/2020, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Thống kê của ngành chức năng tỉnh này cho thấy tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng gần 16.000 ha đất canh tác, đa số là lúa - tôm. Ngoài ra còn có hơn 3.500 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Ở tỉnh Sóc Trăng, dịp tết Nguyên đán vừa qua, nhiều hộ dân ở huyện Long Phú cùng tâm trạng buồn bã vì hàng ngàn hecta đất lúa vụ ba đang thiếu nước. Mặc dù chưa đến cao điểm mùa khô nhưng các kênh rạch ở huyện này đều khô cạn. Nhiều diện tích lúa khoảng một tháng tuổi đang bắt đầu khô cháy vì thiếu nước.
Ông Thạch Tiến, một nông dân ở xã Tân Hưng, cho biết hơn năm công đất trồng lúa vụ ba của ông đang thiếu nước trầm trọng, nền ruộng nứt nẻ, toàn bộ lúa đang chết mòn vì thiếu nước.
Canh tác gần đó, hơn 10 công lúa của ông Thạch Son cũng lâm vào tình trạng tương tự. "Ở vùng này chỉ chuyên canh cây lúa, nếu chỉ làm hai vụ/năm thì không đủ sống nên tôi mới đánh liều xuống giống lúa vụ ba hơn 10 công đất, nhưng với tình trạng này thì cầm chắc trắng tay" - ông Son than thở.
Về vấn đề trên, ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Phú, thông tin: "Dù đã khuyến cáo không xuống giống nhưng ghi nhận trên địa bàn huyện có khoảng 3.500 ha sản xuất lúa vụ ba. Thống kê đến cuối tháng 1/2020, toàn huyện đã có gần 200 ha lúa vụ ba bị ảnh hưởng nghiêm trọng".
Theo baodansinh.vn