Sau mưa, nước ruộng lênh láng, nông dân “bơi” sõng câu thu hoạch lúa.
Lúa được mùa bị ngã đổ
Ông Phan Văn Long, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) đang phơi lúa cho hay: Gia đình có gần 2 sào lúa chín, đang chờ máy gặt để thu hoạch, nhưng gặp cơn mưa to vừa qua làm lúa ngã rạp.
Lúa đứng, thuê máy gặt đập chỉ mất 110.000 đồng/sào (500 m2), còn lúa bị ngã, thuê máy gặt đập lên đến170.000 đồng/sào, vì lúa ngã rạp máy gặt đập chạy chậm cuộn rồi nhai (tuốt) phun rơm. Gặt xong lại tốn thêm công phơi lúa, phơi rơm…
Thống kê của Phòng Kinh tế TP Tuy Hòa, lúa ngã đổ 450ha, trong đó lúa ngã đổ nằm sát đất là 100ha. Những ngày qua trời nắng, nông dân thu hoạch 2/3 số diện tích ngã đổ.
Tại huyện Phú Hòa, hàng trăm hécta lúa đông xuân giai đoạn chín, chắc xanh đổ ngã. Ông Bùi Văn Tấn, ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa), than thở: Các cánh đồng trũng thôn Vĩnh Phú lúa còn xanh đã ngã chìm trong nước. Nếu để chờ chín mới cắt thì hạt lúa sẽ nảy mầm, còn cắt sớm thì mùa năm nay chắc chắn thất bát do có hạt mới vừa ngậm sữa.
Vụ này lúa tốt, nếu không bị đổ ngã thì bình quân mỗi sào ước đạt trên 350 kg/sào (trên 70 tạ/ha), nhưng hiện nay lúa bị ngã đổ, rụng nhiều dẫn đến năng suất thu hoạch giảm, ước chừng chỉ còn được 300kg/sào.
Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, đợt mưa to vừa qua làm cho 850ha lúa ngã đổ, trong đó ngã đổ lúa nằm sát đất là 350ha, tập trung tại các xã Hòa An, Hòa Trị, Hòa Thắng, Hòa Quang Nan và Hòa Quang Bắc.
Nông dân xã An Định (huyện Tuy An) dùng sõng câu thu hoạch lúa ngã đổ.
Đợt mưa vừa qua, tại huyện Đông Hòa có diện tích ngã đổ nhiều nhất lên đến 968ha, trong đó có 300ha bị ngập nước.
Đang cặm cụi dựng những bó lúa chất bờ vừa cắt bằng tay (thủ công) đưa ra chỗ máy tuốt, ông Phan Văn Chính, ở thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) cho biết: Gần 5 sào lúa gần đến thời kỳ thu hoạch nhưng đã bị ngã đổ rạp xuống ruộng, gié lúa bị ngâm nước. Gia đình tôi bỏ công cắt tay, nguy cơ mất mùa do thất thoát sau thu hoạch khoảng 30%, do quá trình cắt, ôm lúa chất bờ rồi vận chuyển lúa rơi rụng.
Theo nongnghiep.vn