Ông Sơn Ngọc Thành (ở xã Tân Hưng, Long Phú, Sóc Trăng) ngồi giữa đồng nứt toác Ảnh: H.H
Bơm “nước mặn” cứu lúa
Giữa trưa nắng gay gắt, cha con ông Thạch Cường, 53 tuổi ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng (Long Phú, Sóc Trăng) hối hả bơm nước từ sông vào ruộng để cứu lúa. Ông Cường có 4,3 ha (trong đó đất thuê 2,3 ha) được 1,5 tháng tuổi đang chuẩn bị giai đoạn làm đòng, năm nay mặn xâm nhập sớm khiến đất nứt nẻ, không đủ nước cho lúa phát triển. “Xung quanh lúa người ta vàng hoe, nhiều người bỏ luôn, còn của em xanh hơn nên cố gắng cứu được chút nào hay chút đó”, anh Thạch Trường (con trai ông Cường) nói.
Tuy nhiên, anh Thạch Trường cho biết, nước bơm vào không phải nước ngọt mà là nước mặn hơn 2%o. “Giờ không biết làm sao. Đồng khô queo, ruộng nứt nẻ, còn dưới kênh cạn khô, phải bơm nước từ sông vào kênh rồi tiếp tục bơm lên ruộng. Ngày bơm tốn gần 500.000 đồng tiền xăng, không bơm lúa chết tức tưởi, còn bơm thì tăng thêm chi phí mà không biết có được ăn không”, anh Trường nói.
Ông Thạch Cường dẫn phóng viên ra cánh đồng nứt nẻ của mình rồi chỉ tay vào hạt phân còn nguyên nằm trên nền đất. "Phân rải nằm ì đó, không có nước để hoà tan thì lấy đâu lúa phát triển. Giờ ruộng nứt nẻ, bỏ thì tiếc, đất thuê tốn mấy chục triệu đồng đầu tư", ông Cường than thở.
Ông Cường gắn bó với đồng ruộng mấy chục năm nay. Ông có hai người con nhưng đều đi làm thuê ở Bình Dương, giờ tuổi già nên trước tết ông gọi con trai là anh Trường về phụ giúp. “Giờ không biết lấy tiền đâu trả phân bón, vật tư của đại lý. Tình hình này bám quê khó sống, nhiều người cũng đã bỏ xứ đi làm thuê", ông Cường nói.
Cùng hoàn cảnh, ông Sơn Ngọc Thành ở ấp Tân Quy, xã Tân Hưng (Long Phú) có 1,5 ha, lúa được hơn 30 ngày tuổi cũng chào thua. "Sáng lên ruộng định bơm nước vào cứu lúa nhưng ngậm thử nước mặn đắng, lúa làm sao chịu nổi. Coi như mất trắng luôn rồi”, ông Thành lắc đầu ngao ngán rồi cho biết, năm 2016 mặn xâm nhập nhưng còn vớt vát chút đỉnh, năm nay mặn đến sớm hơn cả tháng, làm giống đài thơm chịu mặn nhưng cũng bó tay.
Cống ngăn mặn ở Sóc Trăng ẢNH: HÒA HỘI
Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Phú cho biết, năm nay mặn sớm hơn 1 tháng và cao hơn rất nhiều so mùa khô trung bình nhiều năm. Từ đầu tháng 12/2019 đến nay nồng độ duy trì ở mức cao, hiện các kênh đã khô cạn nước, độ mặn ngày 6/2 là trên 6%o đã ảnh hưởng đến sản xuất. Cụ thể, hơn 3.600 ha lúa đông xuân muộn đang thiếu nước nghiêm trọng và gần như mất trắng.
Hàng nghìn héc ta lúa nguy cơ mất trắng
Tại Bạc Liêu, nông dân ở vùng ngọt ổn định của huyện Phước Long đã xuống giống gần 14.000ha lúa đông xuân. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các kênh nội đồng trên địa bàn huyện đã bị cạn, dự báo khoảng 2.200 ha lúa đông xuân có nguy cơ thiếu nước trong những ngày tới. Mực nước tại các kênh, rạch ở vùng bắc quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu cũng ở mức thấp.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh đến ngày 4/2/2020, độ mặn 4%o xâm nhập cách các cửa sông khoảng 48 - 68km, độ mặn 1%o xâm nhập cách các cửa sông khoảng 63-83km. Năm nay, Bến Tre xuống giống vụ đông xuân là 4.359 ha, đến nay, do ảnh hưởng của hạn, mặn nên bị ảnh hưởng khoảng 657 ha, tập trung ở Giồng Trôm (257 ha), Ba Tri (400 ha).
Tại tỉnh Trà Vinh, tình hình nước mặn trên địa bàn không ngừng tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng. Hiện các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành là những nơi có diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại nhiều nhất với khoảng 8.000 ha bị thiệt hại từ 30 - 70% và mất trắng. Ông Nguyễn Mạnh Thái, Trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho biết, toàn huyện có gần 12.000ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn 25-50 ngày tuổi. Hiện 100% diện tích lúa bị ảnh hưởng nặng hạn, mặn; trong đó, có gần 4.000ha lúa nguy cơ mất trắng.
Theo ông Đỗ Trưng, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và khai thác các công trình thủy lợi Trà Vinh, mặc dù đơn vị đã chủ động triển khai nhiều biện pháp vận hành đóng - mở hệ thống 48 cống thủy lợi để ngăn mặn, trữ ngọt nhưng do nước mặn năm nay xuất hiện sớm và xâm nhập nhanh vào sông rạch, kênh mương thủy lợi từ 60 - 70 km với độ mặn từ 3 - 10%o gây ảnh hưởng lớn đến diện tích lúa đông xuân và vườn cây ăn trái. Ước tính, có hơn 10.000ha lúa đông xuân nằm trong tình trạng khô hạn vì thiếu nước ngọt; trong đó, có khoảng hơn 5.000ha nguy cơ bị thiệt hại trắng.
Hiện tại ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL đang tập trung chỉ đạo các địa phương vận động, hỗ trợ nông dân triển khai biện pháp cứu lúa, giảm thiểu về thiệt hại.
Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết, toàn tỉnh có 185.000 ha sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020, đến thời điểm này đã thu hoạch khoảng 70.000 ha, năng suất 6,1 tấn/ha. Theo ông Phước, năm nay tỉnh đã chủ động xuống giống sớm để né hạn mặn, cơ bản không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, diện tích đông xuân muộn trong vùng dự án thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhật đã khép kín nên thiếu nước, ảnh hưởng hơn 3.600 ha ở huyện Long Phú. "Hiện nay hầu hết trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng mặn đã xâm nhập, tuy nhiên lo ngại nhất là hạn mặn kéo dài và sâu hơn, lên đến huyện Kế Sách, vùng đê bao chưa khép kín sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn héc ta cây ăn trái", ông Phước cho hay.