Sương muối khiến nhiều hộ trồng cà phê mất trắng. |
“Do bị sương muối nên rẫy cà phê giờ không phát triển được, phải bỏ luôn. Bây giờ tôi thấy, cà phê làm cũng như không, càng làm nhiều càng lỗ nhiều. Nếu có trái, tôi bán cho người ta không bao giờ được giá” - ông K Hương nói.
Tương tự, hơn 1 ha cà phê của gia đình chị Cil Plem ở xã Đạ Sar cũng đang rụng lá, khô đọt. Chị Cil PLem than thở: “Do sương muối, cà phê lá, cành đều khô, cây chết đen. Năm nay, tôi chắc bỏ cà phê vì có làm không có cà phê để thu”.
Ông Bùi Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, cho biết, cà phê là cây trồng chủ lực của bà con địa phương. Đợt sương muối vừa qua đã khiến cho hàng loạt vườn cà phê bị hư hại từ 30 đến 70%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của người dân.
“Tổng diện tích cà phê của xã gần 1.000 ha, hiện nay bị sương muối cháy hết lá khoảng 300 ha. Diện tích bị ảnh hưởng khá lớn. Để khắc phục bà con phải cưa đốn hết nhưng diện tích bị sương muối dẫn đến không có năng suất” - ông Trình cho biết.
Nhiều rẫy cà phê bị thiệt hai nặng từ 30 đến 70%. |
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Lạc Dương, toàn huyện có trên 468 ha cà phê của 801 hộ thuộc các xã Đa Nhim, Đạ Chais, Đạ Sar bị hư hại nghiêm trọng vì sương muối, ước thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, cán bộ phòng Nông Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương khuyến cáo, đối với những diện tích cà phê bị ảnh hưởng sương muối nhẹ, nông dân cần cắt tỉa lại cành, lá. Đối với diện tích thiệt hại nặng, nên cắt bỏ nửa thân tránh để cây cà phê bị chết. Nếu bà con kịp thời đốn tỉa, cây cà phê sẽ tái sinh.
Đồng thời, nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động chăm sóc cây trồng, giảm nhẹ thiệt hại.
"Bà con cần thường xuyên cập nhật thông tin về dự báo thời tiết để nắm bắt diễn biến nhiệt độ và khí hậu của địa phương để có biện pháp phòng tránh sớm. Khuyến cáo bà con khi phát hiện sương muối mình nên tưới cà phê hoặc cây trồng vào lúc sáng sớm khi mặt trời chưa mọc để hạn chế tối đa mức độ thiệt hại do sương muối gây ra. Bà con cũng có thể sử dụng biện pháp hun khói để tăng nhiệt độ lên nhằm giảm tác động của sương muối” - chị Nguyễn Thị Thùy Trang cho biết.
Trong thời gian chờ cây cà phê tái sinh, ngành nông nghiệp vận động nông dân trồng xen canh các cây ngắn ngày để đảm bảo độ ẩm cho cây cà phê và có thu nhập tạm thời. Đồng thời, các địa phương cũng đang tiến hành rà soát diện tích bị ảnh hưởng, đề xuất với tỉnh sớm có giải pháp khắc phục và hỗ trợ cho những hộ dân bị thiệt hại./.
Theo vov.vn