Những bản tin dự báo thời tiết không còn quá xa lạ với chúng ta, tuy nhiên phía sau mỗi bản tin dự báo thời tiết ấy thì không phải ai cũng biết sự thầm lặng, miệt mài của những con người đi trước về sau mỗi khi có bão lũ xuất hiện. Họ là những người đi đón bão. Hãy cùng theo chân những người đi đón bão để xem công việc thầm lặng vẫn đang âm thầm diễn ra mỗi khi có bão xuất hiện.
"Bão chồng bão", "lũ chồng lũ"
Bão là rủi ro thiên tai không còn xa lạ bởi năm nào bão cũng xuất hiện. Theo thống kê trung bình hàng năm thì mỗi năm có khoảng 5-7 xoáy thuận nhiệt đới bao gồm bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ảnh hưởng đến nước ta. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có khoảng 0.58 cơn bão. Tuy nhiên, trong những năm có EL Nino thì số cơn bão sẽ ít hơn trung bình nhiều năm chỉ khoảng 0.42 cơn/tháng tức giảm khoảng 28%, còn nếu LaNina xuất hiện thì số cơn bão lại tăng lên, khoảng 0.80 cơn/ tháng tăng 38% và thường xuất hiện với tần suất tăng dần vào nửa cuối mùa bão tức vào tháng 9,10,11.
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu những rủi ro do thiên tai xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt là bão lũ. Tần suất, cường độ và đường đi của bão cũng diễn biến hết sức phức tạp.
Vị trí và đường đi của bão số 8 ngày 25/10/2020. Ảnh KTVN
Năm 2020 - một năm thiên tai khốc liệt và dị thường. Tất cả khởi đầu từ đợt áp thấp đầu tiên xuất hiện vào đêm ngày mùng 06 rạng sáng ngày 07 tháng 10 năm 2020. Ngày 11 tháng 10 năm 2020 xuất hiện cơn bão số 6 với tên quốc tế là Linfa, bão số 7 - Nangka xuất hiện ngày 13, bão số 8 - Saudel ngày 25, đặc biệt cơn bão số 9 - Molave với mức ảnh hưởng nặng nề nhất xảy ra ngày 28, bão số 10 - Goni ngày 06 tháng 11, bão số 12 - Etau ngày 10, 11 tháng 11, bão số 13 - Vamco ngày 14, 15 tháng 11 năm 2020.
“Những lần làm nhiệm vụ khảo sát bão, lũ ở miền Trung”
Trạm đo bão số 13 của Liên đoàn Khảo sát KTTV tại Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế
Khi Bão đi vào đất liền nước ta, miền Trung luôn là nơi chịu nhiều ảnh hưởng hơn cả, là trung tâm hứng chịu những cơn bão lớn những thiệt hại về người và tài sản là không kể xiết. Không nằm ngoài quy luật đó, năm 2020 miền Trung lại một lần nữa là tâm điểm chịu ảnh hưởng nặng nề do bão gây ra, "bão chồng bão", "lũ chồng lũ", lũ lịch sử.
Theo thống kê, rà soát về nguồn nhân lực của Liên đoàn Khảo sát KTTV trong mùa mưa bão năm 2020, có đến 80% quân số, cán bộ của Liên đoàn thực hiện nhiệm vụ tại miền Trung. Như khảo sát bão số 2 tại Ninh Bình, bão số 5 tại Quảng Trị, Bão số 6 tại Quảng Nam, Bão số 7 tại 02 điểm thuộc Thanh Hóa và Nam Định, đặc biệt bão số 9 triển khai tại 04 vị trí thuộc Tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, cơn bão số 12 tại tỉnh Phú Yên hay cơn bão số 13 triển khai khảo sát tại 03 vị trí thuộc tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Đồng thời 02 trạm trạm đo khí tượng đã được Liên đoàn thiết lập tại xã Phong Xuân huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn do ảnh hưởng của sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3 do cơn bão số 9 gây ra và trạm đo khí tượng tại Trà Mai huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam phục vụ tìm kiếm cứu nạn do ảnh hưởng sạt lở đất tại xã Trà Leng. Ngoài ra, Liên đoàn còn triển khai công tác khảo sát lũ và đánh dấu vết lũ lịch sử. Cụ thể: Trạm đo thủy văn tại ĐắkRông huyện ĐắkRông, tỉnh Quảng Trị phục vụ dự bão lũ vùng hạ du sông Thạch Hãn; Khảo sát điều tra mức độ ngập lụt tại thành phố Hà Giang; thành phố Hạ Long và Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh; Điều tra, khảo sát lũ quét tại xã Nậm Nhừ tỉnh Điện Biên, điều tra lũ quét, sạt lở đất tại bản Bố Đề, xã Trà Long thuộc Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Đặc biệt, trước, trong và sau các cơn bão, hay những trận lũ lớn, họ vẫn âm thầm đi trước về sau, chẳng quản khó khăn, gian khổ đo đếm từng yếu tố khí tượng như nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, gió, lượng mưa...những số liệu họ Khảo sát được sẽ được truyền tức thời cho Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đưa vào mô hình tính toán đưa ra kết quả dự báo cho các cơn bão kịp thời. Từ đó, những bản tin dự báo về thời tiết được ra đời, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
“Theo chân những người lính Khảo sát KTTV đi đón bão”
Mỗi khi nhận được thông tin về bão, lũ xuất hiện ngay lập tức, một kế hoạch chi tiết về “Lịch trực bão” được các chuyên gia của Phòng Khí tượng Thủy văn và Môi trường xây dựng nhằm đảm bảo hỗ trợ đường truyền thông tin được thông suốt và kịp thời, số liệu được truyền đi tức thời; Các tổ đo bão, lũ ngay lập tức được thành lập gồm những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm sẵn sàng lên đường khi có chỉ thị. Trang thiết bị, máy móc, ô tô di chuyển luôn sẵn sàng trực chiến dù ngay cả trong đêm.
Cán bộ của Liên đoàn di chuyển ngay trong đêm khi nhận được thông tin về cơn bão số 9 năm 2020
Với tính chất khó lường về đường đi của bão, phạm vi ảnh hưởng rộng, mỗi khi xuất hiện một cơn bão trên Biển Đông, Liên đoàn nhanh chóng triển khai từ 3 đến 4 tổ đo bão, trực chiến tại những vị trí được nhận định tâm bão sẽ đi qua, nơi mà bão sẽ đổ bộ. Để đảm bảo mỗi tổ đo bão đều hoàn thành nhiệm vụ, các số liệu khảo sát thu thập được chính xác thì một nhóm với tên gọi “PCLB Liên đoàn - Phòng chống lụt bão Liên đoàn” được lập thông qua trang mạng xã hội Zalo. Đây sẽ là nơi lãnh đạo Liên đoàn chỉ đạo trực tiếp hoạt động của các tổ đo, khảo sát bão từ khâu chọn vị trí đặt trạm, cách lắp đặt các trạm khí tượng khảo sát bão ra sao, đến cách chuyển phát số liệu như thế nào, cách phát số liệu làm thế nào để chuẩn …tất cả đều được đảm bảo dưới sự chỉ đạo chung của ban lãnh đạo Liên đoàn và người chỉ đạo chính là Liên đoàn trưởng Nguyễn Văn Đào. Và tất nhiên sẽ không thể thiếu những lời động viên, nhắc nhở đảm bảo an toàn lao động…từ lãnh đạo Liên đoàn và đặc biệt là những lời động viên, thăm hỏi của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái đến các anh em đang thực hiện nhiệm vụ.
Năm 2020, bão lũ liên tục đổ bộ vào đất liền nước ta, khi mà lượng mưa lên tới 400-500mm, nhiều khu vực bị ngập lụt, giao thông đường bộ hóa thành biển nước mênh mông, các điểm trượt lở vẫn rình rập đổ xuống bất cứ lúc nào trên cung đường đến địa điểm dự kiến đặt trạm thì việc di chuyển đến địa điểm tác chiến khó khăn hơn bao giờ hết. Trút bỏ những bộ quần áo phẳng phiu, chỉn chu hàng ngày, giữa trời mưa bão, những người lính Khảo sát khí tượng thủy văn ấy không còn quan tâm đến hình ảnh lúc này của mình ra sao, họ đầu trần trong chiếc áo mưa mỏng manh dò tìm đường vào khu vực tác chiến, lắp đặt thiết bị quan trắc giữa biển nước mênh mông, trong lòng chỉ tâm niệm một điều rằng nhanh nhanh tìm được đường để làm sao có thể lắp đặt trạm nhanh nhất, để kịp thời chuyền số liệu về cho các đơn vị.
Cán bộ Liên đoàn Khảo sát KTTV đang dò tìm đường vào khu vực đặt trạm khí tượng
giữa biển nước mênh mông trong cơn bão số 7, số 8 năm 2020
Sau khi đã thoát khỏi biển nước mênh mông ấy, tất cả nhanh chóng tiến hành lắp đặt các trạm quan trắc theo chỉ đạo của cấp trên. Nhờ có sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền và người dân trong khu vực, các trạm quan trắc khí tượng cũng đã được dựng lên nhanh chóng, công tác truyền tin được kịp thời. Ở mỗi trạm quan trắc, các anh em túc trực 24/24 tiến hành 30 phút quan trắc một lần. Phải đảm bảo số liệu sống, tức là kịp thời, số liệu chậm là số liệu chết, không còn tính thời sự thì coi như sôi hỏng bỏng không. Vì vậy, những người lính khảo sát ấy bằng sự tỉ mỉ, tận tâm đầy ý thức trách nhiệm của mình, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, không một giây phút lơ là.
Năm nay, với tổng số 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động liên tục trên Biển Đông trong số đó có 07/14 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Và trong những cơn bão mà miền Trung đối mặt phải kể đến cơn bão số 9- là một trong những cơn bão mạnh nhất mùa bão năm 2020 có sức gió mạnh nhất cấp 14 (150-165km/h) giật cấp 17 với thời gian lưu bão kéo dài 6 tiếng. Bão số 9 cùng với bão Xangsane (2006) là một trong 2 cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm trở lại đây ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Bộ nước ta và phạm vi ảnh hưởng của nó lan rộng cả miền Trung.
Ngày 28/10/2020 bão số 9 tiến vào đất liền nước ta. Khi nhận được thông tin về cơn bão số 9, ngay sáng sớm ngày 27/10/2020 ông Nguyễn Văn Đào- Liên đoàn trưởng Liên đoàn Khảo sát KTTV đã nhanh chóng chỉ đạo quyết liệt và sát sao các đơn vị trực thuộc Liên đoàn phải nhanh chóng triển khai nhiệm vụ đo, khảo sát bão. Chỉ đạo ông Minh Nam - Giám đốc Trung tâm Đo đạc thủy văn và môi trường nhanh chóng có phương án di chuyển nhanh nhất để hoàn thành lắp đặt trạm và tiến hành quan trắc trước 19h00p cùng ngày; Về phía ông Lê Quang Hải - Trưởng phòng Phòng Khí tượng Thủy văn Môi trường có trách nhiệm liên hệ các đơn vị, thiết lập nhóm để đảm bảo truyền tin theo quy định. Chỉ đạo quyết liệt để nhiệm vụ được hoàn thành là điều quan trọng nhưng sự an toàn của các anh em là điều được lãnh đạo Liên đoàn đặt lên hàng đầu. Vì thế sau mỗi dòng tin chỉ đạo luôn là những lời dặn dò chú ý giữ an toàn tuyệt đối, an toàn của mọi người là số một.
Lời nhắn nhủ của Lãnh đạo Liên đoàn tới anh em khảo sát bão tại miền Trung
“Nỗi lòng người Khảo sát KTTV đi đón bão”
Xác định năm 2020 là một năm thiên tai khốc liệt, những cán bộ của Liên đoàn Khảo sát KTTV luôn vững vàng tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm của những rủi ro do các yếu tố KTTV gây ra như bão, lũ,…để vững bước trên những chặng đường đi Khảo sát bão lũ, điều tra số liệu phục vụ cho nhân dân.
Mỗi khi bão lũ đổ về, khi mà người người nhà nhà tìm cách tránh xa vùng bão, chính quyền sơ tán người dân đến nơi trú ẩn an toàn thì những cán bộ của Liên đoàn Khảo sát KTTV lại đối mặt với những rủi ro thiên tai ấy. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng chịu rủi ro do bão gây ra.
Ở đâu CẦN – Liên đoàn CÓ
Nhiệm vụ KHÓ – CÓ chúng tôi
Đây cũng chính là câu nói quen thuộc mỗi khi có nhiệm vụ, dù khó khăn hay gian khổ họ vẫn luôn sẵn sàng.
Cuộc sống sinh hoạt khi có bão lũ cũng chẳng dễ dàng gì, khó khăn chồng chất khó khăn. Cuộc sống sinh hoạt tạm bợ, thiếu thốn, những bữa ăn có khi chỉ là gói mì tôm không người lái, hay chỉ là những giấc ngủ tạm bợ trên những chiếc ghế lấy áo làm chăn ấm sau những đêm thức trắng trực bão cũng làm các anh mỉm cười mà sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Rồi có những lần thiết bị, máy móc gặp sự cố, các anh cũng phải mau chóng khắc phục để nhiệm vụ được hoàn thành. Như trong đợt đo, khảo sát cơn bão số 13 một thiết bị đo gió Young đã bị gặp sự cố trong khi đang thực hiện nhiệm vụ. Với sức gió giật cấp 12-13 (sức gió mạnh cấp 13 có thể giật bay người đi bộ) thì phần cánh quạt của máy đo gió young đã bị thổi bay trong khi đang đo. Bất chợt gặp sự cố như vậy, anh Mạc Đình Phương - thành viên của tổ đo, khảo sát bão số 13 đã bình tĩnh nhận định tình hình và nhanh chóng sử dụng một chiếc máy dự phòng, thay thế chiếc đã hỏng và tiếp tục công việc, chuyển tiếp số liệu kịp thời về cho đơn vị. Công tác chuẩn bị trước mỗi cơn bão luôn được các anh chú trọng, kèm với đó là kinh nghiệm xử lý những tình huống khó khăn, đột xuất luôn sẵn sàng trong mọi điều kiện.
Trước sự an nguy của người dân – vùng chịu tác động của những cơn bão đổ bộ, hoàn thành nhiệm vụ với họ lúc này không chỉ là mục đích cuối cùng, mà đó còn là những trăn trở làm sao để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, để không một ai, một gia đình nào bị thiệt hại. Đằng sau mỗi nhiệm vụ là những khó khăn, vất vả, nỗi lo từ gia đình, người thân luôn được giữ kín. Họ luôn hướng tới mục tiêu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Coi sự vất vả trong mỗi nhiệm vụ là một việc làm ý nghĩa đối với người dân, mỗi số liệu, mỗi bản tin khảo sát, quan trắc, đo đạc được sẽ giúp cho người dân khu vực đó giảm thiểu được thiệt hại do rủi ro thiên tai gây ra, tránh được những rủi ro không mong muốn về cả người và tài sản. Chỉ cần nghĩ rằng việc mình đang làm có ý nghĩa quan trọng, thiết thực với người dân, với đất nước như thế nào, anh em đều lấy đó làm động lực mà chẳng hề kêu ca gian khó hay vất vả, chỉ tâm niệm cố gắng và cố gắng.
Hình ảnh của cán bộ Khảo sát KTTV trong những chuyến đi khảo sát bão
“Ở khắp mọi nơi, chúng tôi ở khắp mọi nơi. Để đo sóng biển gió trời, dù là núi cao hay chốn trùng khơi. Chúng tôi đi trong giông bão mịt mùng, dẫu đêm đông hay sương gió lạnh lùng và cả những khi mọi nhà yên ngủ, là lúc chúng tôi lên đường” (trích lời bài hát Bài ca người khí tượng).
Bài và ảnh: Liên đoàn Khảo sát KTTV
Tạp chí KTTV