Sạt lở bờ sông Kim Sơn lấn sâu vào tỉnh lộ 638B đoạn qua thôn Tân Thạnh, xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân)
Hơn 20 điểm sạt lở đê sông
Ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: Qua kiểm tra trước mùa mưa lũ, trên địa bàn hiện có hơn 20 điểm sạt lở đê sông; trong đó, có 10 điểm sạt lở rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đất ở của người dân và đường giao thông. Các điểm sạt lở xảy ra chủ yếu dọc bờ sông An Lão đoạn qua xã Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây và sông Kim Sơn đoạn qua xã Ân Đức, Ân Hữu và thị trấn Tăng Bạt Hổ.
Đáng lo ngại nhất là điểm sạt lở của sông Kim Sơn đoạn qua khu vực Truông Gò Bông, thôn Tân Thạnh, xã Ân Tường Tây. Người dân ở đây cho biết, trước đây khoảng cách từ bờ sông Kim Sơn đến tỉnh lộ 638B dài hơn 10m. Nhưng 3 năm gần đây, lũ lụt thường xuyên xảy ra khiến tình trạng xâm thực bờ sông diễn ra trầm trọng. Đến nay, có những vị trí khoảng cách từ bờ sông đến đường tỉnh lộ chỉ còn khoảng 1m. Đáng nói trong khi bờ sông tiếp tục bị xâm thực, xói lở thì tình trạng khai thác cát trái phép tại đây vẫn đang diễn ra. Thực tế này khiến người dân ở địa phương không khỏi lo lắng.
“Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở ở ven bờ sông, tuy nhiên đây chỉ mới là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, bà con mong Nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây dựng kè kiên cố. Có như vậy, hiện trạng sạt lở bờ sông mới chấm dứt. Tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần kiểm soát, xử lý nạn khai thác cát trái phép tại đây nhằm ngăn chặn thất thoát nguồn tài nguyên, kiểm soát hiện tượng sạt lở bờ sông”, ông N.V.B, một hộ dân ở thôn Tân Thạnh (xã Ân Tường Tây), cho hay.
Tương tự, hiện tượng bờ sông Kim Sơn bị xâm thực cũng đang diễn ra khá nghiêm trọng đoạn qua khu vực Thanh Tú, thị trấn Tăng Bạt Hổ với chiều dài hơn 100m, lấn sâu vào tỉnh lộ 630 đe dọa đến công trình. Để hạn chế thực trạng này, người dân ở địa phương tiến hành trồng cây, đổ thêm đất đá, xà bần để hạn chế sạt lở, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời vì sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra.
“Những điểm sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện đã và đang ảnh hưởng tới công trình giao thông; cuốn trôi nhiều diện tích đất canh tác và uy hiếp đến nhà cửa, vườn tược của dân”, ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, khẳng định.
Tỉnh lộ 630 đoạn qua khu vực Thanh Tú, thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân) đứng trước nguy cơ bị sạt lở do xâm thực bờ sông
Chủ động ứng phó
Nạn sạt lở, xâm thực bờ sông ở huyện Hoài Ân đang xảy ra ở nhiều nơi, nhưng công tác khắc phục bằng việc đầu tư xây dựng các tuyến đê, kè kiên cố trở thành “bài toán” quá khó cho chính quyền ở địa phương. Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho rằng: “Hầu hết, các điểm sạt lở qua khảo sát đều nằm trong diện cần đầu tư, tu bổ, nâng cấp khẩn cấp; tuy nhiên, kinh phí để đầu tư, nâng cấp đê, kè ở những đoạn, điểm sạt lở này quá lớn, huyện không “kham nổi”".
Trước mắt, để chủ động ứng phó với tình hình bão, lũ sắp tới trong khi chờ nguồn kinh phí hỗ trợ để nâng cấp các tuyến đê, kè; UBND huyện Hoài Ân chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch di dời các hộ dân nằm trong diện chịu ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi tránh, trú an toàn; đồng thời, phân công cán bộ địa phương có nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong việc di dời; nhất là các hộ gia đình nằm sát mép sông.
Còn đối với điểm sạt lở bờ sông Kim Sơn đoạn chảy qua thôn Tân Thạnh, xã Ân Tường Tây (nơi tiếp giáp với tỉnh lộ 638B), huyện Hoài Ân đã chỉ đạo, thuê đơn vị thi công tiến hành đổ đất để gia cố tạm thời để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Võ Duy Tín, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân đây chỉ là giải pháp tình thế; bởi, lũ lụt lớn xảy ra khối lượng đất, đá đã đổ gia cố tạm sẽ bị cuốn trôi, nguy cơ sạt lở, chia cắt đường là rất lớn.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, kiến nghị: “Tình trạng sạt lở bờ sông thời gian qua xảy ra khá nhiều ở các địa phương trong huyện. Huyện đã cố gắng đầu tư, nâng cấp những đoạn, tuyến bị sạt lở nằm trong khả năng của địa phương, tuy nhiên việc đầu tư chỉ ở mức độ tạm thời. Về lâu dài phải cần đến sự hỗ trợ của UBND tỉnh Bình Định, Trung ương, chứ cấp huyện là không đảm đương nổi!”.
Nguồn: Báo TN&MT