Do lượng mưa cục bộ quá lớn nên tại 7 xã vùng cao: Sơn Diện, Sơn Thủy, Nà Mèo, Sơn Hà, Tam Lư, Trung Tiến, Trung Thượng thuộc huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã bị nước lũ cô lập. Bản Xa Ná với hơn 200 hộ vẫn bị cô lập với bên ngoài. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn có đủ lương thực, thực phẩm và nước sạch để sử dụng. Những gia đình bị nước lũ cuốn trôi nhà đang ở tạm tại nhà những người anh em, họ hàng. Có 1 người chết do sạt lở đất là Vàng A Lâu, sinh năm 1986, trưởng bản Sài Khao, xã Mường Lý, huyện Mường Lát; 24 nhà bị thiệt hại hoàn toàn, quốc lộ 217, 219 bị sạt lở một số điểm.
Tính đến 16 giờ ngày 3/8, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cùng người dân bản đã cứu được 5 người bị lũ quét cuốn trôi tại bản Xa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Hiện tại, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đang huy động tối đa lực lượng để khẩn trương tìm kiếm 12 người vẫn còn mất tích do bị lũ ống, lũ quét kinh hoàng vào lúc 5 giờ ngày 3/8.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng do thiên tai. Các địa phương nhanh chóng chỉ đạo các đoàn thể huy động lực lượng giúp đỡ các gia đình có nhà bị thiệt hại dọn dẹp, tu sửa nhà bị hư hỏng. UBND huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với chính quyền địa phương đến chia buồn, động viên gia đình có người chết, đồng thời hỗ trợ gia đình số tiền 5,4 triệu đồng.
Để ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu bão, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 11 yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời để người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó có hiệu quả, tránh tư tưởng chủ quan.
Các địa phương kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán người dân đang sống tại khu vực nguy hiểm, ven sông, suối, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để đảm bảo an toàn cho người và tài sản; kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo ản toàn cho các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt là các công trình đang thi công dở dang. Các cơ quan chức năng chỉ đạo vận hành các hồ chứa để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du, không tích nước đối với các hồ chứa không đảm bảo an toàn.
Các huyện, thị, thành phố kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án bảo vệ sản xuất, chống ngập úng; chủ động thực hiện giải tỏa ách tắc lòng sông và các trục tiêu để đảm bảo tốt việc tiêu úng và thoát lũ, đồng thời phải vận hành ngay các trạm bơm tiêu, cống tiêu khi có mưa lớn để bảo vệ diện tích lúa, hoa màu. Ngành điện lực ưu tiên cấp điện cho tất cả các trạm bơm tiêu, cống tiêu; đồng thời rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền tải điện. Các sở, ngành trong tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động.
Khoảng 12 giờ 15 phút ngày 3/8, trên Quốc lộ 3, đoạn qua địa phận thôn Bản Giác (xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) đã xảy ra một vụ lở đá làm chết một người đang đi trên đường.
Cụ thể, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xảy ra mưa lớn từ đêm ngày 2/8 đến sáng ngày 3/8. Mưa lớn khiến đất ngấm no nước, sạt trượt khiến nhiều tảng đá với với khối lượng ước tính khoảng 500m3 đã lăn xuống tại khu vực km142 +700 thuộc địa phận thôn Bản Giác. Khi đá lở rơi xuống Quốc lộ 3 đã va vào xe máy của hai người đang đi trên đường là bà Trần Thị Tư (sinh năm 1943) và người cháu ruột là Trần Kim Tuấn (sinh năm 2002), cùng trú ở thôn Tân Khang, xã Hòa Mục. Hậu quả, bà Trần Thị Tư bị đá vùi lấp dẫn tới tử vong; em Trần Kim Tuấn bị thương nặng đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Chợ Mới. Tuyến Quốc lộ 3 bị ách tắc cục bộ, giao thông tê liệt.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Kạn đã có mặt, khẩn trương tìm cách đưa thi thể bà Trần Thị Tư ra khỏi đống đất, đá; huy động phương tiện, máy móc thông đường.
Tại Thủ đô Hà Nội, mưa lớn diện rộng, kéo dài đã làm sạt lở đê ở huyện Thường Tín, đoạn qua xã Tự Nhiên.
Cụ thể, tại vị trí K94+300 đến K94+500 đê hữu Hồng thuộc xã Tự Nhiên đã xảy ra sự cố sạt lở cách đê sông Hồng 500m và cách chân đê bối của xã Tự Nhiên 120m. Chiều dài sạt lở khoảng 140m tại ba vị trí, tạo thành vách dựng đứng có chiều cao từ 3 - 5m. Trong đó, có một vị trí sạt lở sát vào móng công trình phụ của một hộ dân.
Để ứng phó với diễn biến mưa lớn, hiện tại các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố Hà Nội đã vận hành 11 trạm bơm tiêu úng, với tổng số 34 máy, tổng lưu lượng bơm 65.500 m3/giờ, chủ yếu trên lưu vực sông Nhuệ để phục vụ công tác tiêu úng. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội huy động 100% lực lượng, phương tiện triển khai phương án tiêu thoát nước.
Ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, đêm 2 và sáng 3/8, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có mưa vừa, mưa to và có nơi mưa rất to trên diện rộng.
Trong đó, huyện Mộc Châu đã xảy ra mưa to trên diện rộng, lượng mưa lớn liên tục làm gập úng cục bộ tại một số tuyến đường và khu sản xuất của nhân dân, nhất là tại thị trấn Nông Trường Mộc Châu. Mưa lũ đã gây ngập tuyến đường khu vực Khách sạn Mường Thanh, ngã 3 Quốc lộ 43 rẽ đi xã Tân Lập và khu vực ngã tư Trường Giang, tiểu khu Bó Bun... Tại những điểm ngập úng, ngập sâu, chính quyền địa phương đã căng rào chắn và cắm biển báo cấm các phương tiện qua lại. Các lực lượng chức năng cũng cắt cử người túc trực thường xuyên tại các khu vực úng ngập để cảnh báo nguy hiểm cho người dân và các phương tiện.
Tại ngã ba đường mới thuộc tiểu khu 3, thị trấn Mộc Châu, nước lớn tràn qua mặt Quốc lộ 6. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an huyện Mộc Châu đã túc trực phân luồng giao thông, hướng dẫn cho người dân và phương tiện qua lại an toàn.
Hiện chính quyền huyện Mộc Châu đang chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát địa bàn, theo dõi sát các diễn biến của mưa lũ để chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão sẽ gây mưa lớn tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ 100-300mm/đợt, Riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400mm/đợt. Đặc biệt mưa lớn tại khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, trọng tâm là Thanh Hóa, khả năng gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Từ thực tế trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương tổ chức ứng trực theo quy định, đồng thời chủ động theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ)
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành và địa phương khẩn trương tìm kiếm người mất tích, tiếp cận hỗ trợ các khu vực bị chia cắt tại Thanh Hóa; sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, công trình xung yếu, bị sự cố, và đang thi công; vận hành tiêu úng sản xuất nông nghiệp phù hợp với diễn biến mưa, lũ.
Bên cạnh đó, sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nhất là khu vực có nguy cơ cao và các cung đường thường xuyên bị ngập sâu, sạt lở. Tổ chức cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.
Theo TTXVN