Hoàn thiện dự thảo và lấy ý kiến góp ý về Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Đăng ngày: 15-09-2022 | Lượt xem: 2234
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa hoàn thiện dự thảo và đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi của tổ chức, cá nhân về Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thẩm định, phê duyệt.

Mạng lưới trạm KTTV của Việt Nam đã có lịch sử trên 120 năm xây dựng và phát triển, gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 1867, trạm khí tượng đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam là trạm Nhà thương Sài Gòn. Đến năm 1902, khi Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập Đài Quan sát Từ trường và Khí tượng Trung ương Đông Dương - Cơ quan quản lý mạng lưới trạm khí tượng đầu tiên tại Việt Nam, nước ta chỉ có 51 trạm (38 trạm khí tượng, 13 trạm thủy văn). Trong suốt chiều dài lịch sử của Ngành KTTV, Nhà nước đã đầu tư cho nghiên cứu quy hoạch và đầu tư xây dựng mạng lưới trạm khí tượng thủy văn một cách khá cơ bản và toàn diện qua các thời kỳ.

Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện Quy hoạch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thông tin, dữ liệu thu được từ các trạm quan trắc đã phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nói chung, hoạt động KTTV nói riêng, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của đất nước. Mặc dù vậy, thực tiễn triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia cũng đã bộc lộ một số hạn chế, tồn tại. Bên cạnh đó, nhìn chung mạng lưới trạm quan trắc KTTV vẫn còn thưa so với các nước phát triển trên thế giới và theo khuyến cáo của WMO mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và một số mạng lưới trạm phân bố chưa hợp lý.

Dưới tác động của BĐKH, thiên tai có nguồn gốc KTTV có xu hướng gia tăng cả về cường độ và tần suất xuất hiện trên phạm vi toàn quốc. Nhiều hiện tượng KTTV trước đây chưa xảy ra ở một số khu vực thì đã được ghi nhận trong vài năm trở lại đây. Quá trình đô thị hóa nhanh và rộng cũng làm biến đổi nhiều đặc tính khí hậu trước đây từ quy mô cấp tỉnh cho đến khu vực, đặc biệt, hành lang kỹ thuật của nhiều công trình quan trắc KTTV quốc gia đã bị vi phạm nghiêm trọng. Những tác động của BĐKH đến các hiện tượng KTTV đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác quan trắc, đo đạc, giám sát BĐKH, dự báo và cảnh báo thiên tai. Trong đó, có nguyên nhân mật độ mạng lưới trạm còn thưa và chưa được phân bố phù hợp để nắm bắt hết các hiện tượng.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước toàn diện các hoạt động KTTV, ngày 23 tháng 11 năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật khí tượng thủy văn. Theo Luật KTTV, quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia là một trong những nội dung quan trọng, được quy định chi tiết để bảo đảm việc quan trắc trên mạng lưới phản ánh được diễn biến theo không gian, thời gian của yếu tố KTTV cần quan trắc, đáp ứng mục đích khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn nhằm bảo đảm một trong những nguyên tắc cơ bản đối với hoạt động KTTV là “Quan trắc khí tượng thủy văn phải bảo đảm chính xác, liên tục, thống nhất, đồng bộ, kết quả quan trắc liên kết được trong phạm vi quốc gia và với quốc tế”. Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch các mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên môi trường, trong đó có mạng lưới trạm quan trắc KTTV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo lập và thực hiện quy hoạch tổng thể mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia từ năm 2007 (Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia đến năm 2020) và tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện một bước cơ bản vào năm 2016 tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong các Quy hoạch này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đặt ra nguyên tắc quan trọng là yêu cầu phải bảo đảm sự lồng ghép tối đa giữa các lĩnh vực và mạng lưới trạm KTTV được lấy là nòng cốt trong tổng thể mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia. Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện các Quy hoạch nêu trên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thông tin, dữ liệu thu được từ các trạm quan trắc đã phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nói chung, hoạt động KTTV nói riêng, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của đất nước. Mặc dù vậy, thực tiễn triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia cũng đã bộc lộ một số hạn chế, tồn tại.

Bên cạnh đó, nhìn chung mạng lưới trạm quan trắc KTTV vẫn còn thưa so với các nước phát triển trên thế giới và theo khuyến cáo của WMO mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Do đặc điểm địa hình phức tạp của Việt Nam, diễn biến khí hậu có sự phân hóa rõ rệt nên các số liệu quan trắc chưa đáp ứng được số liệu đầu vào cho các mô hình dự báo số trị, đặc biệt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trên biển (cả khu vực biển Đông chỉ có khoảng 10 trạm khí tượng trên đảo), nhất những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Việc phân bố số lượng trạm quan trắc môi trường ở các vùng kinh tế trọng điểm, vùng có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như khu đô thị ven biển, các khu du lịch, danh lam thắng cảnh còn nhiều hạn chế do mật độ trạm quan trắc còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; một số vị trí quy hoạch đặt trạm chưa được khảo sát kỹ các điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả của Quy hoạch cũng như tính đồng bộ, hiện đại của mạng lưới thì việc lựa chọn công nghệ, chủng loại thiết bị quan trắc phù hợp với vị lắp đặt trạm và ứng dụng công nghệ viễn thám vào quan trắc các yếu tố khí tượng thủy văn cũng đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác Quy hoạch của Ngành KTTV.

Những hạn chế, tồn tại nêu trên cần phải được rà soát, đánh giá toàn diện, từ đó tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia. Trong bối cảnh Luật quy hoạch 2017 được Quốc hội thông qua có nhiều quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ toàn bộ hoạt động liên quan tới quy hoạch, việc tổ chức xây dựng “Lập quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” mang tính cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và pháp lý trong thời điểm hiện nay.

Đến năm 2050, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia bảo đảm tính hiện đại, tự động, có mật độ trạm ngang bằng với các nước phát triển trên thế giới

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là Phát triển mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia hoàn chỉnh, hiện đại, đồng bộ, đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực Châu Á vào năm 2030, có khả năng lồng ghép, tích hợp, kết nối, chia sẻ với mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn toàn cầu, đáp ứng nhu cầu thông tin, dữ liệu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Mục tiêu cụ thể của Quy hoạch như sau:

Giai đoạn 2021 - 2025: Tăng dày mật độ, khoảng cách trạm khí tượng thủy văn tự động ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á, trong đó mật độ trạm: khí tượng bề mặt khoảng 34 km2/trạm, đo mưa khoảng 11 km2/điểm, ra đa thời tiết khoảng 150 km2/trạm, bức xạ khoảng 148 km2/trạm, định vị sét khoảng 125 km2/trạm, khoảng cách trạm hải văn khoảng 112 km/trạm, ra đa biển khoảng 250 km/trạm; bảo đảm các yêu cầu phục vụ dự báo điểm, đầu vào cho mô hình dự báo số. Ưu tiên phát triển mới các trạm quan trắc khí tượng thủy văn tại các vùng, khu vực thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai khí tượng thủy văn, khu vực ven biển và hải đảo, vùng trống số liệu và những yếu tố quan trắc có nhu cầu cấp bách phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu;

Duy trì, nâng cấp và hiện đại hóa các trạm khí tượng thủy văn hiện có; xây dựng mới và đưa vào vận hành một số trạm khí tượng thủy văn, bao gồm: Nâng cấp và hiện đại hóa 134 trạm (bao gồm các trạm được lồng ghép: giám sát biến đổi khí hậu; môi trường không khí; môi trường nước sông, hồ, biển) trong đó: 50 trạm khí tượng bề mặt, 75 trạm thủy văn và 09 trạm hải văn cho các vùng: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung, khu vực ven biển và hải đảo thuộc khu vực Đông Bắc, Trung Trung Bộ và Nam Bộ;  Xây dựng mới 1.328 trạm/điểm khí tượng thủy văn theo hướng tự động và hiện đại (bao gồm các trạm được lồng ghép: giám sát biến đổi khí hậu; môi trường không khí; môi trường nước sông, hồ, biển), trong đó: 77 trạm khí tượng bề mặt, 11 trạm thủy văn, 03 trạm hải văn, 04 trạm khí tượng trên cao, 05 trạm ra đa thời tiết, 03 trạm định vị sét, 01 trạm bức xạ, 09 trạm ra đa biển, 28 trạm đo mặn và 1.187 điểm đo mưa cho các vùng: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển và hải đảo; Nâng cấp hệ thống hạ tầng thông tin và cơ sở dữ liệu hiện đại với dung lượng phù hợp theo số lượng trạm được tăng thêm và thực hiện cùng với nâng cấp, xây mới trạm khí tượng thủy văn; Giảm khoảng 20% số lượng quan trắc viên tại các trạm khí tượng thủy văn hiện có được tự động hóa, điều chỉnh số người giảm đang hưởng lương từ nguồn ngân sách sang hưởng lương từ nguồn tự chủ, nguồn dịch vụ và một số nguồn hợp pháp khác. Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động mạng lưới trạm khí tượng thủy văn cho phù hợp và theo tiến trình tự động hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn quốc gia.

Giai đoạn 2026 - 2030: Tiếp tục tăng dày mật độ trạm khí tượng thủy văn tự động, trong đó: trạm khí tượng bề mặt khoảng 29 km2/trạm, đo mưa khoảng 09 km2/điểm, ra đa thời tiết khoảng 112 km2/trạm, bức xạ khoảng 136 km2/trạm, định vị sét khoảng 120 km2/trạm, ô dôn - bức xạ cực tím khoảng 287 km2/trạm, hải văn khoảng 70 km/trạm, ra đa biển khoảng 200 km/trạm, phao biển 650 km/trạm. Ưu tiên phát triển các trạm quan trắc khí tượng thủy văn trên biển, đảo, quần đảo, vùng trời phục vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn và phát triển kinh tế biển;

Hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm mới trong quy hoạch, đưa mạng lưới trạm khí tượng thủy văn văn quốc gia của Việt Nam đạt trình độ ngang bằng một số nước phát triển trong khu vực Châu Á, bao gồm:Nâng cấp và hiện đại hóa 61 trạm trong đó: 33 trạm khí tượng bề mặt, 21 trạm thủy văn và 07 trạm hải văn cho các vùng: Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung, khu vực ven biển và hải đảo thuộc khu vực Đông Bắc, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ; Xây dựng mới 1.230 trạm/điểm khí tượng thủy văn theo hướng tự động và hiện đại, trong đó: 98 trạm khí tượng bề mặt, 59 trạm thủy văn, 20 trạm hải văn, 05 trạm khí tượng trên cao, 05 trạm ra đa thời tiết, 02 trạm định vị sét, 03 trạm ra đa biển, 05 trạm phao biển, 29 trạm đo mặn và khoảng 1.000 điểm đo mưa cho các vùng: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển và hải đảo.

Hoàn thành nâng cấp và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm, hệ thống kiểm định phương tiện đo khí tượng thủy văn; hiện đại hóa hệ thống các trung tâm thông tin, dữ liệu và chuyển đổi số ngành khí tượng thủy văn.

Tiếp tục giảm khoảng 20% số lượng quan trắc viên tại các trạm khí tượng thủy văn hiện có được tự động hóa, điều chỉnh số người giảm đang hưởng lương từ nguồn ngân sách sang hưởng lương từ nguồn tự chủ, nguồn dịch vụ và một số nguồn hợp pháp khác.

 Định hướng đến năm 2050: Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia bảo đảm tính hiện đại, tự động, có mật độ trạm ngang bằng với các nước phát triển trên thế giới;Tiếp cận, nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm trên mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia một số loại hình quan trắc hiện đại: camera thông minh, trạm quan trắc trên các phương tiện di động như máy bay trinh sát khí tượng, tàu biển, vệ tinh viễn thám, thiết bị không người lái, ...

Phạm vi quy hoạch

Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện trên phạm vi toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và đặc quyền kinh tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quy hoạch này không bao gồm các trạm quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ theo nhu cầu riêng của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Mạng lưới trạm khí tượng bề mặt, thủy văn, hải văn được phân định thành trạm cơ bản và trạm phổ thông:

Trạm cơ bản đóng vai trò nòng cốt trên mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia, quan trắc toàn diện các yếu tố khí tượng bề mặt, thủy văn, hải văn; số liệu quan trắc tại trạm phản ánh các đặc trưng về khí tượng, thủy văn, hải văn của vùng, tiểu vùng và được sử dụng để đánh giá, kiểm soát số liệu quan trắc của các trạm khí tượng thủy văn khác trên cùng khu vực; là trạm quan trắc ổn định, lâu dài, được tổ chức theo mô hình trạm có quan trắc viên để đảm bảo quan trắc và kiểm soát chặt chẽ quá trình quan trắc tại trạm và các trạm khí tượng thủy văn phổ thông trong cùng khu vực.

Trạm phổ thông là các trạm được bố trí để tăng dầy mật độ quan trắc một số yếu tố giữa các trạm cơ bản, nhằm đảm bảo yêu cầu chỉ tiêu về mật độ quan trắc của các yếu tố và yêu cầu dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; là các trạm được định hướng theo mô hình trạm không có quan trắc viên.

Các thành phần của mạng lưới:

a) Mạng lưới quan trắc khí tượng bề mặt bao gồm 429 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa, tự động hóa 214 trạm hiện có và 215 trạm xây mới (giai đoạn 2021-2025: 77 trạm; giai đoạn 2026-2030: 98 trạm; giai đoạn 2031-2050: 40 trạm) trong đó có 99 trạm cơ bản và 330 trạm phổ thông.

b) Mạng lưới trạm khí tượng nông nghiệp gồm 29 trạm trên cơ sở duy trì, nâng cấp, hiện đại hóa 29 trạm hiện có hoặc lồng ghép vào các trạm khí tượng bề mặt.

c) Mạng lưới điểm đo mưa độc lập được xây dựng trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa, tự động hóa 871 điểm hiện có và bổ sung các điểm còn thiếu, tổng số điểm quan trắc đến năm 2050 là 4.368 điểm (giai đoạn 2021-2025: 1.187 điểm; giai đoạn 2026-2030: 1.000 trạm; giai đoạn 2031-2050: 1.310 trạm).

d) Mạng lưới quan trắc khí tượng trên cao: Mạng lưới trạm thám không vô tuyến gồm 10 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 6 trạm hiện có và 4 trạm xây mới (giai đoạn 2021-2025: 01 trạm; giai đoạn 2026-2030: 02 trạm; giai đoạn 2031-2050: 01 trạm); Mạng lưới trạm đo gió trên cao gồm 20 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 8 trạm hiện có và 12 trạm xây mới (giai đoạn 2021-2025: 03 trạm; giai đoạn 2026-2030: 03 trạm; giai đoạn 2031-2050: 06 trạm).

đ) Mạng lưới ra đa thời tiết gồm 39 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 10 trạm hiện có và 30 trạm xây mới (giai đoạn 2021-2025: 05 trạm; giai đoạn 2026-2030: 05 trạm; giai đoạn 2031-2050: 19 trạm).

e) Mạng lưới định vị sét gồm 26 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 18 trạm hiện có và 8 trạm xây mới (giai đoạn 2021-2025: 03 trạm; giai đoạn 2026-2030: 02 trạm; giai đoạn 2031-2050: 03 trạm).

g) Mạng lưới quan trắc thủy văn gồm 577 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa, tự động hóa 424 trạm hiện có và 153 trạm xây mới (giai đoạn 2021-2025: nâng cấp 75 trạm, xây mới 11 trạm; giai đoạn 2026-2030: nâng cấp 21 trạm, xây mới 59 trạm; giai đoạn 2031-2050: tiếp tục nâng cấp và xây mới 83 trạm) trong đó có 77 trạm cơ bản và 500 trạm phổ thông.

h) Mạng lưới quan trắc hải văn gồm 68 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 27 trạm hiện có và 41 trạm xây mới (giai đoạn 2021-2025: nâng cấp 09 trạm và xây mới 03 trạm; giai đoạn 2026-2030: nâng cấp 7 trạm và xây mới 20 trạm; giai đoạn 2031-2050: tiếp tục nâng cấp và xây mới 18 trạm) trong đó có 20 trạm cơ bản và 48 trạm phổ thông.

i) Mạng lưới trạm giám sát biến đổi khí hậu: Mạng lưới trạm khí tượng tham chiếu gồm 51 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 07 trạm hiện có và 44 trạm xây mới được lựa chọn từ mạng lưới trạm khí tượng bề mặt; Mạng lưới trạm thủy văn tham chiếu gồm 09 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 09 trạm hiện có; Mạng lưới trạm hải văn tham chiếu gồm 03 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 03 trạm hiện có.

k) Mạng lưới trạm chuyên đề: Mạng lưới quan trắc bức xạ gồm 21 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 14 trạm hiện có và 07 trạm xây mới (giai đoạn 2021-2025: 01 trạm; giai đoạn 2026-2030: 03 trạm; giai đoạn 2031-2050: 03 trạm); Mạng lưới quan trắc ô dôn - bức xạ cực tím gồm 9 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 3 trạm hiện có và 6 trạm xây mới (giai đoạn 2026-2030: 01 trạm; giai đoạn 2031-2050: 05 trạm); Mạng lưới thu ảnh vệ tinh gồm 01 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 01 trạm hiện có.

l). Mạng lưới quan trắc môi trường không khí và nước: Mạng lưới quan trắc môi trường không khí gồm 90 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 27 trạm hiện có và 63 trạm xây mới (lồng ghép vào mạng lưới trạm khí tượng bề mặt hoặc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia); Mạng lưới quan trắc môi trường nước mặt gồm 134 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 56 trạm hiện có và 78 trạm xây mới (lồng ghép vào mạng lưới trạm thủy văn hoặc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia); Mạng lưới quan trắc môi trường nước biển gồm 33 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 06 trạm hiện có và 27 trạm xây mới (lồng ghép vào mạng lưới trạm hải văn hoặc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia).

m) Mạng lưới điểm đo mặn gồm 187 điểm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa, tự động hóa 99 điểm hiện có và 88 điểm xây mới (giai đoạn 2021-2025: 28 điểm, giai đoạn 2026-2030: 29 điểm; giai đoạn 2031-2050: 31 điểm).

n) Mạng lưới trạm quan trắc khí tượng toàn cầu gồm 01 trạm dựa trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 01 trạm hiện có.

o) Mạng lưới trạm ra đa biển và trạm phao: Mạng lưới ra đa biển gồm 16 trạm trên cơ sở duy trì, hiện đại hóa 4 trạm hiện có và 12 trạm xây mới (giai đoạn 2021-2025: 09 trạm, giai đoạn 2026-2030: 03 trạm); Mạng lưới trạm phao gồm 14 trạm xây mới (giai đoạn 2026-2030: 05 trạm; giai đoạn 2031-2050: 09 trạm).

Yếu tố quan trắc, tần suất quan trắc tại mỗi trạm, điểm được quy định cụ thể trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật.

Danh sách các trạm, điểm quan trắc khí tượng thủy văn tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này.

Quy hoạch xác định một số định hướng đầu tư chính như sau:

- Ưu tiên đầu tư các Đề án, Dự án có tên trong danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1970/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển Ngành Khí tượng Thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Các dự án về lĩnh vực khí tượng thủy văn có liên quan đến nội dung Nghị quyết 06/NQ-CP năm 2021 về Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Kết luận 56-KL/TW do Chính phủ ban hành và các dự án đầu tư thuộc hệ thống mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; Các dự án đầu tư ở nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng trống dữ liệu, vùng thường xuyên xảy ra thiên tai nguy hiểm;

- Ưu tiên đầu tư xây dựng các trạm quan trắc theo hướng:  Hoàn thiện các trạm khí tượng thủy văn Cơ bản đảm bảo trạm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và có đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Đối với trạm khí tượng thủy văn Phổ thông, tập trung đầu tư dứt điểm từng trạm (đầu tư 100% thiết bị tự động), đảm bảo sau đầu tư trạm có khả năng tự động hoàn toàn, góp phần tăng cường năng lực quan trắc của trạm, giải phóng nguồn nhân lực quản lý, vận hành và tài nguyên đất đai.     

- Về nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn: Ngoài nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua các hình thức xã hội hóa, phát triển dịch vụ khí tượng thủy văn và giải phóng quỹ đất trong quá trình tự động hóa các trạm quan trắc.

Định hướng nhu cầu sử dụng đất

Nhu cầu sử dụng đất cho quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là 2,850,599m2. Trong đó:

- Vùng miền núi phía Bắc: tiếp tục sử dụng 881.230m2 đang có và tăng thêm 46.038m2 trong giai đoạn 2021-2030;

- Vùng đồng bằng sông Hồng: tiếp tục sử dụng 219.425m2 đang có và tăng thêm 13.753m2 trong giai đoạn 2021-2030;

- Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung: tiếp tục sử dụng 712.192m2 đang có và tăng thêm 55.751m2 trong giai đoạn 2021-2030;

 

- Vùng Tây Nguyên: tiếp tục sử dụng 252.739m2 đang có và tăng thêm 14.104m2 trong giai đoạn 2021-2030;

- Vùng Đông Nam Bộ: tiếp tục sử dụng 183.168m2 đang có và tăng thêm 3.973m2 trong giai đoạn 2021-2030;

- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: tiếp tục sử dụng 133.458m2 đang có và tăng thêm 21.302m2 trong giai đoạn 2021-2030.

Nhu cầu vốn đầu tư

Nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia đến năm 2030 dự kiến khoảng 3.273 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Các giải pháp thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn

Căn cứ vào tính chất của Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV, dự kiến có các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về tổ chức bộ máy, phát triển nhân lực vận hành, quản lý trạm khí tượng thủy văn; giải pháp huy động và phân bổ vốn đầu tư; giải pháp về khoa học và công nghệ; giải pháp về hợp tác quốc tế và nhóm giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: