Tình hình lũ lụt ở Trung Quốc đáng báo động khi trận lũ thứ 4 đã hình thành trên sông Dương Tử, khiến lưu lượng nước chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp tăng mạnh.
Khu chợ ở Caiyuanba, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc ngập trong nước lũ sông Dương Tử hôm 14/8. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Giới chức Trung Quốc dự báo, hồ chứa đập Tam Hiệp sẽ ghi nhận dòng chảy vào hồ tối đa là 59.000 mét khối mỗi giây vào 8h sáng 15/8.
Theo Tân Hoa xã, Ban chỉ đạo phòng chống lũ lụt và hạn hán quốc gia Trung Quốc đã nâng mức ứng phó đối với công tác kiểm soát lũ lụt từ cấp 4 lên cấp 3 do những cơn mưa lớn được dự báo sẽ xuất hiện ở quy mô rộng trên toàn quốc vào cuối tuần này.
Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp cho biết, các khu vực gồm Tây Nam, Tây Bắc, miền Bắc và Đông Bắc Trung Quốc sẽ đối mặt với tình trạng mưa lũ đi kèm với bão và mưa đá.
Trung Quốc có hệ thống thang bậc phản ứng khẩn cấp kiểm soát lũ gồm 4 mức, trong đó cấp độ 1 là nghiêm trọng nhất.
Vào tối 14/8, trận lũ số 4 trong năm 2020 trên sông Trường Giang đã quét qua địa phận thành phố Trùng Khánh.
Cùng thời điểm này, sông Gia Lăng, một nhánh quan trọng của sông Trường Giang, cũng xuất hiện lũ, khiến áp lực phòng chống lũ lụt ở Trùng Khánh tăng mạnh. Trùng Khánh đã nâng mức ứng phó đối với công tác kiểm soát lũ lụt từ cấp 3 lên cấp 2.
4 trận lũ liên tiếp trong chỉ vài tháng qua đã gây ra tâm lý lo ngại về tình hình hai bên bờ sông Dương Tử.
Trận lũ số 1 đã hình thành ở thượng nguồn sông Trường Giang vào đầu tháng 7. Trận lũ số 2 hình thành giữa tháng 7, với lưu lượng lập đỉnh mới lên tới 61.000 m3/giây.
4h chiều ngày 27/7, lưu lượng nước đổ về hồ chứa đập Tam Hiệp đạt khoảng 60.000 m3/giây.
Từ giữa tháng 7 đến đợt lũ thứ 3 trên sông Dương Tử, đập Tam Hiệp đã điều chỉnh lưu lượng xả lũ 9 lần liên tục.
Theo lệnh của Ủy ban Thủy lợi Trường Giang, công trình Tam Hiệp sẽ kiểm soát lưu lượng xả ở mức 38.000 m3/giây, giảm áp lực phòng chống lũ lụt ở khu vực trung và hạ lưu.
Trong đợt lũ thứ 3 trên sông Dương Tử, lực lượng ứng phó khẩn cấp của Trung Quốc cho biết, 5 người chết và 1 người mất tích tại châu tự trị dân tộc Thổ Gia, Miêu Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.
Trong đợt lũ thứ 3, Chính quyền huyện Hồ Bắc đã nâng mức phản ứng khẩn cấp nhằm phòng chống lũ từ cấp 2 lên cấp 1 (cao nhất trên thang 4 cấp). Tính đến 18h hôm 26/7, mưa lớn đã ảnh hưởng tới 160.000 dân tại đây, trong đó có 60.000 người được sơ tán.
Theo Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp của Trung Quốc ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra, tính đến ngày 29/7, khoảng 368.000 ngôi nhà bị hư hại và thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 144,43 tỷ nhân dân tệ (khoảng 20,66 tỷ USD).
Trước ngày 29/7, lũ lụt đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 23,8 triệu người tại 24 tỉnh của Trung Quốc.
Tổng cộng có 31 người được báo là mất tích hoặc đã chết và 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 64,4 tỷ nhân dân tệ (9 tỷ USD).
Tờ China Daily ngày 12.8 cho biết, khả năng kiểm soát lũ lụt của tất cả các công trình thủy lợi đều bị hạn chế. Đối với đập Tam Hiệp, nó chủ yếu được thiết kế để bảo vệ sông Kinh Giang, một đoạn của sông Dương Tử ở vùng hạ lưu của con đập, và các vùng đồng bằng phì nhiêu dọc theo bờ của nó khỏi lũ lụt thường xuyên.
Đập lớn nhất thế giới chỉ góp phần điều tiết lũ của một phần hạn chế. |
Sông Kinh Giang dài 360km và do lòng sông cao nên dễ bị lũ lụt. Tuy nhiên, đập Tam Hiệp đã cải thiện đáng kể việc kiểm soát lũ lụt ở sông Kinh Giang. Theo tờ China Daily, nhờ sự điều tiết lũ của con đập, không có phần nào của dòng chính sông Dương Tử, bao gồm cả sông Kinh Giang, vượt qua mốc mực nước cao nhất.
Nhưng vì nằm giữa trung lưu và thượng lưu sông Dương Tử, nên đập Tam Hiệp đóng một vai trò tương đối nhỏ trong việc kiểm soát lũ lụt ở các nhánh hạ lưu của nó. Điều này giải thích cho bài báo gần đây của CNN rằng, tất cả các trận lũ lụt nghiêm trọng ở hạ lưu sông Dương Tử trong năm nay đều xảy ra ở các nhánh sông.
Đập Tam Hiệp có thể giữ dòng nước từ thượng nguồn sông Dương Tử, ngăn không cho nước chảy vào các nhánh hạ lưu. Và con đập đã hoàn thành vai trò của mình trong năm nay, bằng cách hạn chế lưu lượng nước chảy ra ở mức 19.000 mét khối mỗi giây mặc dù dòng chảy vào hồ chứa lên tới 30.000 đến 50.000 mét khối/giây.
Mặc dù không có vụ tràn đê nào được báo cáo, nhưng mực nước cao trên dòng chính sông Dương Tử vẫn làm dấy lên một số lo ngại. Nhưng điều đó chủ yếu liên quan đến sự điều tiết khoa học của thượng lưu, trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử do lũ lụt lớn trong năm nay. Nói cách khác, đập Tam Hiệp đã hoạt động như một công trình phòng thủ hữu hiệu chống lại lũ lụt - tờ China Daily khẳng định.
Mực nước trong hồ chứa đập Tam Hiệp phải được giữ ở mức dưới 165 mét để chuẩn bị cho lũ lụt có thể xảy ra hàng năm, nhưng vẫn còn chỗ cho 22,1 tỉ mét khối nước khác trong mùa lũ vì mực nước có thể được phép tăng lên đến 175 mét trong hồ chứa - mức tối đa để giữ cho đập hoạt động bình thường.
Và ngay cả sau khi mực nước đạt 175 mét, vẫn còn chỗ để nước tiếp tục chảy vào, vì mực nước trong hồ chứa có thể lên đến 180 mét - nhưng đó là trong trường hợp khẩn cấp để chứa thêm 5 tỉ mét khối nước lũ.
Dẫu vậy, ôngg Zhong Boting, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc thừa nhận rằng: "Chúng ta không nên quên rằng việc thuần hóa hoàn toàn dòng chảy của bất kỳ con sông nào, bao gồm cả sông Dương Tử, là điều vượt ra ngoài lĩnh vực kỹ thuật".
Nhưng ngoài các yếu tố tự nhiên như địa lý, khí hậu và sự phân bố lượng mưa không đồng đều không thể kiểm soát được, thì Trung Quốc còn tụt hậu trong việc xây dựng các hồ chứa và đập so với các nước phát triển.
Theo baodatviet.vn