Vùng nuôi nghêu ở biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh tư liệu: Hữu Chí/TTXVN
Trước tình hình trên, các ngành chức năng địa phương đã khẩn trương vào cuộc, khảo sát, thu mẫu, xét nghiệm tìm nguyên nhân và khuyến cáo nông dân cách xử trí, khắc phục.
Trong đó, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Tiền Giang khảo sát và lấy 6 mẫu; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, Cơ quan Thú y Vùng VI và các cơ quan hữu quan tiến hành khảo sát vùng nuôi nghêu cồn Vạn Liễu (Tân Thành) trên diện tích khoảng 350 ha, lấy 4 mẫu nước, 7 mẫu nghêu, 3 mẫu bùn phân tích, xác định nguyên nhân.
Theo ông Nguyễn Tiến Diệt, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, trong khi chờ kết quả phân tích mẫu và thông báo chính thức của các cơ quan chuyên môn, Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các đơn vị, các ngành chức năng theo dõi tình hình nuôi nghêu. Đồng thời, tăng cường quan trắc vùng nuôi để kịp thời hướng dẫn người nuôi xử lý tình huống, bảo vệ vùng nghêu nguyên liệu quan trọng của địa phương.
Ông Nguyễn Tiến Diệt chia sẻ thêm, qua kết quả quan trắc cho thấy từ ngày 19/2 đến nay tình hình nghêu chết tại Tân Thành đã giảm hẳn.
Qua khảo sát, thu mẫu, đánh giá, trước mắt, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang Thái Quốc Hiếu khuyến cáo nông dân vùng nuôi nghêu Tân Thành (Gò Công Đông) chủ động thực hiện các biện pháp tích cực xử lý, phòng nghêu nuôi bị chết trong mùa nắng nóng.
Theo ông Thái Quốc Hiếu, hiện nay thời tiết vào mùa nắng nóng, rất thuận lợi cho mầm bệnh (vi khuẩn, ký sinh trùng) phát triển. Do vậy, Chi cục Chăn nuôi - Thú y đề nghị Ủy ban nhân dân xã Tân Thành thông tin, tuyên truyền các hộ nuôi nghêu thực hiện một số nội dung, trọng tâm là tùy vào điều kiện bãi nuôi, khả năng đầu tư để lựa chọn cỡ giống và mật độ nuôi phù hợp.
Cụ thể, nếu cỡ giống từ 5.000 - 10.000 con/kg thả với mật độ 500 - 700 con/m2; cỡ giống từ 1.000 - dưới 5.000 con/kg thả với mật độ từ 300 - 500 con/m2; cỡ giống từ 300 - dưới 1.000 con/kg thả với mật độ thả trung bình từ 100 - 300 con/m2.
Bên cạnh đó, chủ động duy trì mật độ nuôi, định kỳ cào thưa nơi nghêu tập trung dày để giúp nghêu sinh trưởng và phát triển tốt. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường nước như: nhiệt độ, độ mặn... để chủ động xử lý.
Trong trường hợp nghêu đạt kích cỡ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch nhanh gọn, tránh thiệt hại xảy ra. Đối với nghêu chưa đạt kích cỡ thu hoạch cần chủ động cào thưa ra toàn sân, không để mật độ quá dày. Trong trường hợp phát hiện nghêu chết, lập tức thu gom, xử lý để tránh lây lan sang các cá thể còn sống cũng như có biện pháp khai thông các vùng đọng nước; tránh hiện tượng đọng nước cục bộ, tránh nhiệt độ tăng cao vào buổi trưa.
Minh Trí (TTXVN)