Khẩn trương triển khai 7 biện pháp trọng tâm ứng phó Bão số 6 - siêu bão Mangkhut

Đăng ngày: 15-09-2018 | Lượt xem: 688
(TN&MT) - Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành công điện số 52/CĐ-TW, hồi 11 giờ ngày 15/9 chỉ đạo khẩn...

 

ccsfc150918110703cong dien doi pho voi bao mangkhut bcd page 1


Quyết liệt ứng phó Bão số 6
 

Công điện nêu rõ, sáng nay (15/9), siêu bão Mangkhut đã vượt qua đảo Lu dông, Philippines đi vào khu vực Đông Bắc Biển Đông và trở thành cơn bão số 6. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 – 16, giật trên cấp 17.
 

Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, di chuyển nhan, phạm vi ảnh hưởng rộng. Theo dự báo đến thời điểm hiện nay, vùng tâm bão có khả năng đổ bộ vào đất liền phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) gây gió rất mạnh trên Vịnh Bắc Bộ, vùng ven biển và đất liền nước ta, kèm theo mưa lớn.
 

Khu vực ảnh hưởng của bão tập trung đông dân cư, có các khu công nghiệp, khu kinh tế lớn, nhiều tàu thuyền, hoạt động du lịch, lồng bè, khu nuôi trồng thủy hải sản trên biển, ven biển, nhiều công trình, dự án lớn đang thi công; các hồ chứa cơ bản đã đầy nước; nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất chưa kịp khắc phục, tiềm ẩn rủi ro, thiệt hại lớn nếu không có biện pháp quyết liệt, ứng phó kịp thời.
 

Để chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương tập trung, khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
 

Chủ động cấm biển
 

Thứ nhất, đối với khu vực trên biển và các đảo: Tổ chức rà soát, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, quản lý chặt chẽ việc ra khơi (kể cả các tàu vận tải, tàu du lịch), nhất là đối với các tàu thuyền hoạt động xa bờ để hướng dẫn di chuyển thoát ra và không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc kêu gọi về nơi tránh trú an toàn.
 

Tùy theo diễn biến của bão và tình hình cụ thể tại địa phương, thực hiện cấm biển, kể cả đối với tàu vận tải và tàu du lịch.
 

Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú.
 

Tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với lồng bè, khu vực nuôi trồng thủy, hải sản.
 

Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người, công trình hạ tầng, nhà cửa của người dân trên các đảo.
 

Rà soát phương án sơ tán, di dân
 

Thứ hai, trên đất liền: Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị, rà soát phương án sơ tán, di dời dân cư, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ngập sâu do nước biển dâng, sóng, gió lớn, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trong các nhà yếu, khu vực gần các cột tháp cao không đảm bảo an toàn. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản do bão đổ bộ.
 

Chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, bệnh viện, kho tàng, các công trình công cộng, đặc biệt đối với công trình cột, tháp cao; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu đô thị, hạn chế thiệt hại do bão;
 

Triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, tập trung thu hoạch các diện tích lúa đã chín và hải sản đạt yêu cầu thương phẩm với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; chủ động tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
 

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, hầm lò, các dự án đang thi công ven biển, bãi thải khai thác khoáng sản.
 

Kiểm tra, triển khai các biện pháp gia cố đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu, các sự cố do đợt mưa lũ trước chưa được khắc phục.
 

Đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
 

Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển; quyết định cho học sinh nghỉ học; kiểm soát giao thông, nhất là trên các tuyến cao tốc, các cầu vượt biển để đảm bảo an toàn trong thời gian bão đổ bộ.
 

Chủ động dự trữ thực phẩm 
 

Đối với khu vực miền núi, trung du: Chỉ đạo các tổ, đội xung kích kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, thông báo cho người dân để chủ động phòng tránh. Sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
 

Tổ chức cắm biển cảnh báo; tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm tra, tuần tra canh gác các ngầm tràn, đường bị ngập sâu, các khu vực sạt lở, lũ quét và nghiêm cấm vớt củi khi có lũ.
 

Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảm đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
 

Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập
 

Thứ ba, đối với hồ chứa thủy lợi, thủy điện: Liên tục cập nhật tình hình, tính toán phương án vận hành liên hồ chứa thủy điện và căn cứ tình hình thực tế để chỉ đạo vận hành phù hợp.
 

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các đập, hồ chứa xung yếu hoặc đã đầy nước.
 

Đối với hồ xung yếu có cửa van, điều tiết hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng thường trực tại các hồ để chủ động xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra.
 

Thứ tư, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cập nhật thường xuyên, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là đối với dự báo định lượng về mưa và dòng chảy cụ thể cho các khu vực lòng hồ Sơn La, Hòa Bình để chỉ đạo điều hành liên hồ chứa.
 

Thứ năm, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
 

Thứ sáu, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão, mưa lớn diện rộng đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó.
 

Thứ bẩy, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
 

159 bao 17h


Bộ Công an chỉ đạo ứng phó siêu bão
 

Ngày 14/9, Văn phòng Bộ Công an có Công điện số 04 gửi Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Công an các tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng về việc ứng phó với siêu bão Mangkhut.
 

Nội dung Công điện nêu rõ, để chủ động ứng phó với các tình huống của siêu bão, Văn phòng Bộ Công an đề nghị Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung sau:
 

Thực hiện nghiêm túc các Công điện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, chỉ đạo của Bộ Công an và chính quyền địa phương về công tác ứng phó với siêu bão. 

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của siêu bão, mưa lũ do ảnh hưởng của siêu bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó. Triển khai hiệu quả phương án ứng phó thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ": Các phương án đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông; đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, Trường giáo dưỡng; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Chủ động triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc, cột thu phát sóng của Công an các đơn vị, địa phương để tránh thiệt hại do bão, mưa, lũ gây ra.
 

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp cùng cơ quan chức năng tại địa bàn triển khai phương án sơ tán nhân dân tại các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản và công tác cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. Bố trí lực lượng để tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Kiên quyết không cho người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn. 
 

Đối với Công an các tỉnh, thành phố ven biển khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại nơi neo đậu, tránh trú của tàu thuyền; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người dân tại các khu vực lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá, ngập sâu, nhà không đảm bảo an toàn.
 

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng cứu khi có yêu cầu.
 

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về Văn phòng Bộ Công an (SĐT: 0913.555.323, 069.23.20160, 069.23.20119 ;Fax: 069.23.20160, 069.23.20119).

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: