Ngành chức năng khuyến cáo người dân tuyệt đối không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người.
Để chống chọi với giá rét, nhiều nơi ở Nghệ An bà con đã góp củi để sưởi ấm. Ảnh tư liệu: baonghean.vn
Cùng với đó, các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng, chống đói, rét; triển khai phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt để đảm bảo an toàn; che phủ, tưới nước, bón phân, giữ ẩm đối với sản xuất lúa, rau màu; rà soát điều chỉnh lịch gieo mạ, gieo sạ tránh thời tiết rét đậm, rét hại.
Tỉnh Nghệ An yêu cầu, các ngành Du lịch, Giao thông, chính quyền địa phương chủ động thông báo, hướng dẫn cho khách du lịch biết, tăng cường cảnh báo trên tuyến đường thường xảy ra sương mù, trơn trượt để đảm bảo an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông.
Tại Nghệ An đang xảy ra đợt rét đậm, rét hại diện rộng, với nhiệt độ phổ biến từ 8 - 11 độ C, vùng núi cao có nơi xuống thấp hơn 0 độ C. Đây là đợt rét đậm, rét hại lớn nhất trong vòng 2 năm qua tại địa phương. Tại xã Na Ngoi (huyện miền núi Kỳ Sơn) đã xuất hiện băng tuyết phủ trắng cây cối và mái nhà của người dân.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, do đặc thù địa bàn nên mỗi khi xảy ra rét đậm, rét hại, nếu không triển khai kịp thời biện pháp ứng phó gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, ảnh hưởng tới hoạt động dân sinh, kinh tế xã hội khác. Thực tế, những năm trước đây, tại Nghệ An, khi rét đậm, rét hại xảy ra làm nhiều diện tích lúa, hoa màu khác bị hư hỏng, thiệt hại. Tại các huyện miền núi, do thói quen, tập tục nuôi thả gia súc tự do trong rừng, ít được trông coi, chăm sóc nên vào đợt rét đậm, rét hại, xuất hiện trâu bò chết nhiều, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Nguyễn Văn Nhật (TTXVN)