Khô hạn bủa vây Nam Trung bộ

Đăng ngày: 27-04-2020 | Lượt xem: 6028
Vùng duyên hải Nam Trung bộ mặc dù mới bước vào đầu mùa khô nhưng tình hình hạn hán đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Đi dọc các vùng dân cư ven biển khu vực Nam Trung bộ, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn hécta đất nông nghiệp không canh tác được vì thiếu nước, nhiễm mặn…

Đồng ruộng ở Bình Định bị bỏ hoang vì hạn mặn, chỉ còn cỏ dại. Ảnh: NGỌC OAI

Đồng ruộng ở Bình Định bị bỏ hoang vì hạn mặn, chỉ còn cỏ dại. Ảnh: NGỌC OAI

Ruộng đất khát

 Trong những ngày cuối tháng 4-2020, khu vực ven biển Nam Trung bộ, nắng hạn vẫn đang kéo dài. Cơn “mưa vàng” hiếm hoi hồi đầu tháng 4 không đủ để giải hạn cho những cánh đồng và vùng dân cư khô khát. Đi dọc triền cát ven biển các huyện Bình Sơn, Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) và Tuy An (tỉnh Phú Yên) khắp nơi người dân chịu cảnh khô hạn, thiếu nước. 

Ở thôn An Ninh Đông (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), ông Phan Văn Tuấn (47 tuổi) cho biết: “Mấy năm nay, dọc cửa biển từ xã An Ninh Đông kéo dài đến khu vực biển xã An Hải lên vùng đầm Ô Loan, hồ nuôi tôm phát triển quá mức. Người nuôi tôm xây hồ cao triều loại lớn, dùng máy bơm công suất cao để chọc hút hết nước ngầm làm cho nguồn nước ngầm bị hao hụt rồi nhiễm mặn, cây trồng và cây rừng phòng hộ chết hàng loạt vào mùa khô…”.

Tình trạng trên cũng đang diễn ra ở các huyện phía Đông như Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tuy Phước (tỉnh Bình Định). Ông Huỳnh Ngọc Thiệt (thôn Huỳnh Giản Bắc, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) than: “2 cánh đồng Tứ Niên và Gò Dê (gần 20ha) của gần 200 hộ dân thôn chúng tôi hiện cũng đang bị xâm nhập mặn, bỏ hoang hóa rất lãng phí. Người dân nhìn đồng ruộng bạt ngàn bỏ hoang nóng ruột nên kiến nghị nhiều lần lên chính quyền.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, hiện có 21 hồ chứa đang có nguy cơ xuống mực nước chết. Nghiêm trọng nhất là các hồ Hóc Dọc, Đá Bàn, An Thọ, Lỗ Đá… đã ở mực nước chết. Tìm đến các xã ven biển như Bình Tân Phú, Bình Hải, Bình Phước, Bình Hòa (huyện Bình Sơn), Phổ Cường (huyện Đức Phổ) người dân đều phản ánh về việc thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.

Ông Võ Văn Bổn đang canh tác tại cánh đồng Hóc Đế (thôn Ân Thạnh, xã Bình Tân Phú), tâm sự: “Nắng hạn càng ngày càng nghiêm trọng, việc canh tác của chúng tôi dần trở nên khó khăn hơn. Bây giờ mới vào đầu mùa khô mà ruộng đồng ở Bình Tân Phú và các xã lân cận đều khô khốc, cỏ chết cháy trắng khắp nơi”.

Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch xã Bình Tân Phú, liệt kê: “Toàn xã chỉ có 22ha đất hưởng được nước từ hồ Lỗ Ồ, còn lại 130ha thì bỏ hoang vụ hè thu hoặc phải khoan giếng để sản xuất. Hiện toàn xã có 150 giếng khoan liên tục rút nước, dẫn đến nguồn nước ngầm có nguy cơ bị cạn kiệt trong nay mai. Đất ở Bình Tân Phú tươi tốt bậc nhất, nhưng giờ không có nước đành bỏ hoang lãng phí lắm. Ngoài ra, địa phương còn có gần 1.000 hộ dân luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô”.

Còn tại tỉnh Bình Thuận, gần 6 tháng qua hầu như không có mưa, nắng nóng kéo dài đã khiến gần 15.000ha đất sản xuất nông nghiệp buộc phải cắt giảm, trên 25.000 hộ dân với gần 93.000 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt. Hiện tại, các sông, suối, giếng khoan ở các huyện như Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh…  đã cạn khô; các hồ chứa nước thủy lợi quan trọng ở tỉnh Bình Thuận như Ba Bàu, Sông Móng, Tà Mon, Đá Bạc… cũng đang dần trơ đáy, chỉ còn ít nước thấp hơn mực nước chết. 

Khô hạn bủa vây Nam Trung bộ  ảnh 1Hồ Sông Móng, nơi cung cấp nước cho nhiều khu vực sản xuất phía Nam tỉnh Bình Thuận đang trơ cạn. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Người khát

 Một số hộ dân ở xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) phản ánh, nhiều năm nay cứ đến mùa khô là hàng ngàn hộ dân ở đây phải khổ sở chạy mua từng can nước về dùng. Hai năm nay, hạn hán khốc liệt hơn, lực lượng quân đội đóng tại huyện Phù Mỹ phải huy động phương tiện, xe cộ để chở nước cứu khát hàng tháng cho người dân ở Mỹ Chánh. Những lúc bộ đội chưa chở kịp nước về thì dân phải dùng can, xô, chậu để đi mua về dùng… “Hiện toàn xã có đến 3.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trong đó có 2.500 hộ tại 16 thôn đang thiếu nước nghiêm trọng”, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, thông tin.

Đang sử dụng xe máy chở 2 can nước từ xã Cát Minh (huyện Phù Cát) về dùng, ông Lê Minh Sơn (thôn An Xuyên 3, xã Mỹ Chánh) nói: “Ngày nào cũng vậy, tôi đều chạy xe máy hơn 3km để mua từng can nước về sử dụng, rất tốn kém. Mấy năm nay, cứ vào mùa khô là phải đi lo chuyện nước nôi, chẳng làm ăn gì được”.

Còn ông Ngô Tùng Ngà (62 tuổi, thôn An Xuyên 3) thì sử dụng ghe, ngày 2 bữa chạy dọc các con sông lên xã Cát Minh để mua nước. Ông Ngà than: “Trong 2 năm nay, hạn hán nặng hơn nên mạch nước ngầm bị nước biển xâm nhập, hàng loạt giếng khoan bỏ không, không thể sử dụng được. Cứ qua 1 năm, mạch nước ngầm lại nhiễm mặn xê dịch thêm vào sâu trong đất liền. Những người dân có điều kiện thì tìm chỗ đất chưa bị nhiễm mặn khoan giếng, bắc ống về dùng, còn không thì phải đi mua nước”.

Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên), cho biết: “Địa phương đang rà soát các vùng có nguy cơ bị hạn để chủ động khoan giếng phục vụ nước cho bà con khi hạn nặng xảy ra. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì các phương tiện, lực lượng quân đội, công an và lực lượng phòng cháy chữa cháy để linh động cứu hạn, cấp nước cho người dân tại thôn, xóm, xã khi hạn nặng xảy ra”.

Ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, cho biết, theo dự báo, mùa khô năm 2020 sẽ không có mưa tiểu mãn (cuối tháng 5) nên sẽ xảy ra hạn nặng ở khu vực Nam Trung bộ, nghiêm trọng nhất ở các tỉnh Bình Định trở vào đến Bình Thuận. Hiện toàn tỉnh Bình Định có khoảng 6.500 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt; trong đó có gần 3.000 hộ dân ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ); trên 500 hộ ở Ân Tường Tây, Ân Tín (huyện Hoài Ân); 2.000 hộ dân ở thị trấn Vân Canh; 1.000 hộ ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn).

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại tỉnh Bình Thuận cũng đang diễn ra gay gắt, trầm trọng tại một số nơi như xã Thắng Hải (huyện Hàm Tân); Hàm Thạnh, Mương Mán (huyện Hàm Thuận Nam); Thuận Hòa, Thuận Minh (huyện Hàm Thuận Bắc)… Nhiều nơi, người dân phải đi chở nước hoặc mua nước từ nơi khác với giá 80.000-120.000 đồng/m3 để dùng cho sinh hoạt, ăn uống và cho gia súc, gia cầm. 

Theo nhận định của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, nếu từ nay đến tháng 5 không có mưa thì mức độ thiếu nước sinh hoạt sẽ trầm trọng hơn. Hiện nay, nhiều nhà máy nước trên địa bàn công suất chạy máy không đủ cung cấp cho người dân, trường học, doanh nghiệp. Trước tình hình nghiêm trọng trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận kiến nghị UBND tỉnh xem xét ban hành quyết định tình huống khẩn cấp về hạn hán, thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn; đồng thời triển khai ngay các công trình tạm như đào ao, xây bể trữ nước, nạo vét kênh mương để tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Hiện tại, các địa phương trong tỉnh Bình Thuận cũng đang rà soát, lập danh sách các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, dân tộc thiểu số khó khăn, thiếu nước sinh hoạt phải đi mua nước để có chính sách, biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã mở cuộc họp khẩn để chỉ đạo triển khai các giải pháp căn cơ chống hạn hiệu quả trên nhiều lĩnh vực trong mùa khô 2020.

Ông Dũng phê bình UBND huyện Phù Mỹ chậm thực hiện dự án nhà máy nước sạch để phục vụ cho gần 3.000 hộ dân ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ); đồng thời chỉ đạo UBND huyện Phù Mỹ, trước mắt phải cấp thiết hoàn thiện đường ống cấp nước theo hình thức công cộng, mở trạm nước tạm thời cấp nước đến từng xóm, thôn để phục vụ cho người dân.

Theo sggp.org.vn 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: