Kích hoạt gói hỗ trợ hành động sớm ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

Đăng ngày: 10-04-2024 | Lượt xem: 3189
Hiện nay, vẫn còn khoảng 50.000 hộ dân nông thôn (khoảng 3,6% số hộ dân nông thôn toàn quốc) bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và FAO vừa kích hoạt gói hỗ trợ cho người dân tại Đồng bằng sông Cửu Long ứng phó hạn, mặn, thiếu nước sinh hoạt… với có tổng ngân sách 1,7 triệu USD vốn ODA viện trợ không hoàn lại…

Người dân xã Khánh An nhận tiền hỗ trợ để mua nước sinh hoạt.

Ngày 9/4/2024, tại tỉnh Cà Mau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau phát động Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2024 với chủ đề “Đảm bảo cấp nước sạch an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu”.

VIỆT NAM LÀ QUỐC GIA THIẾU NƯỚC

Phát biểu khai mạc Tuần lễ Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định trong bối cảnh hiện nay, có thể khẳng định, Việt Nam là một quốc gia thiếu nước. Nước là hữu hạn nên phải có hành động tương xứng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, đến hết năm 2023, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh khoảng 92%. Trong đó, tỷ lệ sử dụng nước đạt quy chuẩn là 57%; 96% trường học, trạm y tế có công trình cấp nước và vệ sinh.

Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm nay với mục đích nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia của người dân, hộ gia đình, cộng đồng, ban ngành đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy thực hiện cấp nước an toàn, bảo vệ nguồn nước, công trình cấp nước.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trao tặng máy lọc nước cho người dân ở Cà Mau.

Đồng thời, chủ động triển khai các giải pháp cấp nước, thu, trữ nước an toàn để đảm bảo đủ nước sạch cho người dân, nhất là những khu vực chịu ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các cấp ủy chính quyền đầu tư, hành động cụ thể nhằm hướng tới đảm bảo mục tiêu tối thiểu đã cam kết thực hiện trong chương trình của Liên hợp quốc. Đó là mọi người dân, đặc biệt là người dân nông thôn được tiếp cận bình đẳng và công bằng về nước sạch và môi trường.

Trong đó, Trung ương và địa phương xác định đầu tư bằng các giải pháp công trình cụ thể. Nơi nào cần nới đường ống, nâng cao nhà máy nước sạch, nơi nào có thể cấp nước sạch tập trung thì cấp nước sạch tập trung. Đảm bảo 18.000 công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động một cách đầy đủ, hiệu quả (hiện nay, còn khoảng 30% trong tổng số 18.000 công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động chưa hiệu quả).

"Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện cơ chế chính sách phù hợp, đảm bảo nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Trong đó, vấn đề tính toán giá cả hợp lý, xã hội hóa để tư nhân đầu tư nhiều hơn lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định

Nhân dịp này, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF hỗ trợ 50 bình lọc và 10 bồn chứa nước Tân Á Đại Thành cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiếu nước và xâm nhập mặn để bà con sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau ủng hộ 1 tỷ đồng hỗ trợ người dân tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.

KÍCH HOẠT GÓI HỖ TRỢ CỦA FAO CHO DÂN BỊ HẠN, MẶN

Cũng trong ngày 9/4/2024, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng đoàn đại diện của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam đã kích hoạt gói hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng hạn mặn.

Nhân dịp này, Thứ trưởng cùng đoàn đại diện của FAO đến thăm và cấp phát tiền mặt cho người dân chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Chương trình này nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực và mở rộng quy mô triển khai hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống bảo trợ xã hội”, do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phối hợp với tổ chức FAO.

Hoạt động cấp phát tiền mặt cho người dân được chia làm 2 đợt (tháng 4 và tháng 5/2024), với tổng kinh phí hơn 5,4 tỷ đồng. Định mức hưởng lợi đối với hộ 1 nhân khẩu là 1 triệu đồng; hộ 2 nhân khẩu 2 triệu đồng; hộ 3 nhân khẩu trở lên 3 triệu đồng mỗi đợt. Hơn 1.000 hộ gia đình tại 4 xã (Khánh An, Khánh Thuận - huyện U Minh; Khánh Hưng - huyện Trần Văn Thời; Biển Bạch - huyện Thới Bình) sẽ được hỗ trợ tiền mặt.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: hiện vẫn còn khoảng 50.000 hộ dân nông thôn bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết hiện nay, vẫn còn khoảng 50.000 hộ dân nông thôn (khoảng 3,6% số hộ) bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt, trong đó riêng tỉnh Cà Mau có khoảng 4.000 hộ bị ảnh hưởng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 11 ngày 1/4 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương, trước mắt tiếp tục ưu tiên các nguồn nước dành cho sinh hoạt và sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn. Hỗ trợ cho các giải pháp cấp nước hộ gia đình và truyền thông cho các hộ gia đình về sử dụng thiết bị trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Rémi Nono Womdim, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam cho rằng: "Đây là hoạt động đầu tiên ở Việt Nam, kích hoạt hành động sớm ứng phó hạn hán thể hiện cam kết mang tính bước ngoặt của Chính phủ Việt Nam và FAO nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự và tiên phong áp dụng phương pháp này ở Đông Nam Á".

Theo đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, từ năm 2022 Cục đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức FAO tại Việt Nam thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật "Tăng cường năng lực và quy mô triển khai Hành động sớm cùng với việc kết nối với hệ thống Bảo trợ xã hội". Đây là một dự án vùng gồm 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Hợp phần Dự án ở Việt Nam có Tổng ngân sách dự kiến khoảng 1,7 triệu USD từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hoạt động Viện trợ Nhân đạo và Bảo vệ dân sự châu Âu (DG ECHO) thông qua FAO.

Tại Việt Nam, FAO phối hợp cùng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp, các tỉnh nhằm xây dựng Kế hoạch Hành động sớm và thúc đẩy việc lồng ghép vào hệ thống Phòng chống thiên tai của Việt Nam.

Chương Phượng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kich-hoat-goi-ho-tro-hanh-dong-som-ung-pho-han-han-xam-nhap-man.htm
  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: