Anh Quốc
Luật chống lụt ở Anh buộc các công ty xây dựng phải tính toán và thực hiện nghiêm minh. Người ta quy định các công ty xây dựng phải tính đến khoảng không gian và mặt đất cho dòng nước thẩm thấu. Thiết kế phải làm sao đó để dòng nước từ mái nhà được dẫn dụ chảy đến khu vực có mặt đất, từ đó nước thẩm thấu qua các công viên, khu cây xanh đường phố chứ không đổ thẳng xuống cống ngầm. Đây là biện pháp được áp dụng khá chỉn chu và nghiêm minh, nhờ đó, công tác phòng chống lũ lụt được cải thiện đáng kể.
Cùng với đó là chính quyền đô thị thiết lập hệ thống đê và đập di động. Quanh London họ xây đập chắn linh hoạt trên sông Thames. Hệ thống này có thể đóng, mở, nâng các lớp, xoay tấm chắn để chuyển dòng tháo nước, tùy nhu cầu nhằm ngăn lụt lội cho thủ đô Anh. Từ 2015, họ thiết kế nhiều loại đập nhẹ có thể thay đổi cấu trúc và đặt vào gọi các điểm cần ngăn nước tràn. Khi hết lụt, người ta dỡ bỏ các loại đập này.
Đức, Hà Lan
Can thiệp và điều chỉnh dòng lũ là cách mà Đức, Hà Lan và cả nước Anh áp dụng. Các vùng miền trung nước Anh nằm xa sông lớn nên người ta đem vào áp dụng một hệ thống liên hoàn các ao nhỏ, tấm chắn, đập di động và cửa tháo lũ có kiểm soát cho nước sông chảy vào đồng ruộng và vùng trũng. Đây cũng là cách “chống lụt” theo nguyên tắc “Tạo không gian cho nước” áp dụng ở Anh, Đức, Hà Lan từ 1999. Về nguyên tắc, người ta hiểu rằng không thể nào "cưỡng bức dòng nước" nên chỉ có cách tạo chỗ để tháo nước, và dẫn dòng nước thoát đi hướng khác.
Các cơn mưa lớn thường tạo một khối lượng nước khổng lồ làm đầy hệ thống cống rãnh và gây ngập úng và nước bẩn tràn trở lại mặt phố. Vì vậy, giải pháp hút nước qua hệ thống cống và bể ở những quốc gia này nhắm tới việc dẫn dụ nguồn nước thoát nhanh khỏi đô thị. Người ta cho xây dựng các bể chứa lớn dưới ngầm hoặc hồ chứa để hỗ trợ việc thu nước mưa.
Indonesia
Nạo vét lòng sông, hồ nhằm tăng thể tích chứa nước và tạo dòng chảy nhanh hơn. Người ta nạo vét đáy hồ và sông nhằm tăng thể tích chứa nước khi có mưa to. Việc tháo bỏ đá, cát ở đáy sông cũng giúp cho dòng chảy nhanh hơn, đưa nước lụt tháo đi nhanh về hạ lưu. Tuy nhiên, cách này bị nói là gây hại môi trường và chưa chắc đã hiệu quả trong chống lụt to. Chưa kể sau một trận lụt to, bùn đất lại tích xuống đáy sông hồ và công việc nạo vét cần thực hiện lần nữa. Dù vậy, cách nạo vét lòng sông đang được tính đến ở Jakarta sau trận lụt năm 2013 làm ngập úng 40% diện tích thành phố này. Đây là cách làm ít nhiều có tác dụng trong thời gian ngắn, đặc biệt đối với những quốc gia hạn hẹp kinh tế.
Tại Indonesia, nhu cầu nạo vét sông còn đến từ hai lý do: trầm tích của sông ngòi Đông Nam Á luôn nhiều hơn các sông châu Âu, và rác thải đổ xuống các sông, kênh rạch ở riêng Jakarta là 6000 tấn một ngày, gây tắc nghẽn nghiêm trọng. Tuy thế, toàn bộ chương trình phòng ngừa lụt của Jakarta đã được hàng trăm triệu USD tiền viện trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà đến nay vẫn chưa triển khai được bao nhiêu.
Đan Mạch
Do đặc điểm sông ngòi của Đan Mạch, họ đã vận dụng tinh thần “hợp tác đa phương” trong phòng chống lũ lụt. Họ đã đàm phán và bắt tay với các quốc gia láng giềng trong việc khôi phục sự hoạt động của sông Skjern từ các đầm lầy ven bờ để nước lụt tràn ra tự nhiên. Đây là công tác cứu vãn dòng sông và chống lụt hiệu quả nhờ sự khôn khéo hợp tác của nhiều quốc gia.
Điều thú vị là tại Thủ đô của nước này đã kết hợp biện pháp chống lụt vào hạ tầng đô thị. Tại đây họ đã thực hiện chương trình chuyển đổi ít nhất 20% diện tích đất công cộng làm thành khu vực thấm hút nước mưa tự nhiên. Rất nhiều giải pháp mang tên “xanh lá cây” và “xanh da trời” được thực hiện nhằm quản lý dòng chảy nước mưa trong khu vực đô thị. Họ xây dựng đường dành cho xe đạp được thiết kế như các kênh dẫn, tháp, mương chứa nước có thể chứa nước từ khu dân cư và đổ ra cảng. Tai đây họ thiết kế công viên lớn vừa có khả năng lưu trữ nước, chống ngập lụt khi lượng nước mưa quá lớn vừa là nơi giải trí, làm xanh thành phố khi trời hửng nắng. Cụ thể là công viên công cộng Enghaveparken tại Copenhagen được thiết kế như một không gian vui chơi trong mùa khô và khu vực hồ chứa có khả năng hứng 24.000m3 nước trong mùa lũ.
Theo Báo Xây dựng