Lai Châu: Nguy cơ sạt lở ở huyện biên giới Mường Tè

Đăng ngày: 05-06-2020 | Lượt xem: 1832
Mùa mưa lũ năm nay đang đến gần, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, các địa phương có nguy cơ sạt lở đất, đá cần sớm cảnh báo, có phương án di dời người dân trong vùng nguy hiểm tới nơi ở mới an toàn.

Do mưa lớn đã gây sạt lở tại bản Chà Dì, xã Bum Tở được gia cố để ở tạm bợ nhưng không đảm bảo an toàn khiến người dân luôn phải sống trong cảnh bất an. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết trên địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, diễn biến phức tạp, nhiều đợt gió lốc, mưa đá, sạt lở xảy ra gây thiệt hại lớn đến nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân.

Đặc biệt, mùa mưa lũ năm 2020 đang đến gần, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, các địa phương có nguy cơ sạt lở đất, đá cần sớm cảnh báo và có phương án di dời người dân trong vùng nguy hiểm tới nơi ở mới an toàn.

Bản Chà Dì ở xã Bum Tở, huyện Mường Tè, nằm trên sườn núi dốc với nhiều khe cạn, có 73 hộ dân sinh sống, với 377 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào La Hủ. Nhà cửa người dân đa số là nhà tạm, chưa được kiên cố hóa. Lũ quét có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi mưa lớn kéo dài.

Anh Ki Lù Ki ở bản Chà Dì, xã Bum Tở, chia sẻ: “Mỗi khi trời mưa lớn cả gia đình tôi đều lo sợ sạt lở đất, sau nhà cũng có nước chảy qua nên đêm không dám ngủ, chỉ sợ lũ ập đến, không có chỗ trốn. Tôi và các hộ dân trong bản mong muốn sớm được chuyển đến nơi ở mới an toàn để yên tâm lao động, sản xuất.”

Còn tại bản Nà Phầy ở xã Vàng San, huyện Mường Tè, mặc dù nhiều hộ dân đã được di dời đến nơi ở mới, nhưng họ vẫn đang nơm nớp lo sợ bởi sự đầu tư không đồng bộ của các công trình. Do bản mới nằm sát con suối lớn mà hệ thống kè lại đoạn có đoạn không, nên người dân vẫn chưa thể yên tâm sinh sống ở khu vục này.

Anh Vàng Văn Long thuộc bản Nà Phầy, xã Vàng San, bộc bạch: “Được di dời lên bản mới này, tôi vẫn không yên tâm được bởi kè cống chưa xong. Sợ hãi nhất là vừa qua đã xảy ra hai trận mưa lớn gây xói mòn vào phần đất của gia đình và gia đình tôi phải thuê xe đổ đất vào phần xói mòn nhằm hạn chế sạt lở.”

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Mường Tè, toàn huyện còn trên 1.000 hộ, hơn 5.000 nhân khẩu cần được bố trí, sắp xếp theo các loại hình thiên tai với 20 dự án.

Hiện tại, huyện đã được phê duyệt 10 điểm di dời với gần 400 hộ dân. Hàng năm, huyện Mường Tè cần hơn 30 tỷ đồng để bố trí di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, nguồn lực còn khó khăn nên cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và các nhà hảo tâm.

Ông Tông Văn Thi, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Tè, cho biết để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, huyện Mường Tè đã xây dựng đề án và vận động nhân dân di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

Tuy nhiên, việc sắp xếp và bố trí người dân ra khỏi vùng thiên tai trong điều kiện khẩn cấp còn gặp khó khăn như địa hình của huyện chủ yếu là đồi núi dốc, giao thông đi lại khó khăn, lưu vực sông suối rất nhiều, nên việc bố trí quỹ đất để sắp xếp dân cư còn hạn hẹp, nguồn kinh phí đầu tư để bố trí dân cư thì cần nhiều.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Tè Tống Văn Dương cho biết huyện Mường Tè cũng như người dân mong tỉnh Lai Châu và các cơ quan trung ương quan tâm, xem xét, bổ sung kinh phí để huyện hoàn thiện các cơ sở hạ tầng còn đang thiếu dành cho các bản Nà Phầy, Nà Hừ của xã Bum Nưa và Vàng San; bố trí kinh phí để huyện đưa người dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân, giúp bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Từ đầu năm đến nay, giông lốc và mưa đá gây nhiều thiệt hại đối với nhà cửa, tài sản, công trình công cộng ở huyện Mường Tè. Trong đó, có 3 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, 10 ngôi nhà bị sạt lở và phải di dời khẩn cấp, 21 ngôi nhà nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai cao; 13 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hư hỏng và cuốn trôi… Ước tính, tổng thiệt hại là hơn 20 tỷ đồng./.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: