Lào Cai: Khó khăn di dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Đăng ngày: 26-09-2018 | Lượt xem: 1015
(TN&MT) - Hàng năm công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra luôn được tỉnh Lào Cai đặc biệt chú trọng, nhất là công tác di chuyển dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai trong 10 năm qua từ 2008 - 7/2018, thiên tai đã làm chết 217 người, mất tích 8 người, bị thương 227 người; đồng thời làm 40.000 nhà bị đổ, sập hư hỏng, 2.300 hạ tầng khác bị hư hỏng. Ước thiệt hại khoảng 4.624 tỷ đồng.

Tỉnh Lào Cai có 3156 hộ cần được di rời ra khỏi vùng nguy hiểm

Tỉnh Lào Cai có 3156 hộ cần được di rời ra khỏi vùng nguy hiểm

Qua rà soát, thống kê, toàn tỉnh Lào Cai có 3.156 hộ trong diện di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, do sinh sống gần sông, suối lớn, tà luy dương hoặc trên sường núi, nơi có kết cấu địa chất rất yếu có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Với hình thức tái định cư tại chỗ, các hộ dân được chọn nơi ở mới phù hợp (có thể là đất của gia đình, họ hàng hoặc bố trí ở xen ghép trong quỹ đất của thôn, bản. Tuy nhiên đến nay, công tác sắp xếp, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm còn nhiều khó khăn nên đến nay mới sắp xếp được 1.683 hộ (đạt 53,3%).

Chúng tôi tới thăm gia đình anh Lý A Sèo, xã Chiềng Ken (Văn Bàn - Lào Cai), một trong hộ phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Do mưa lũ kéo dài, một phần đất khu phía sau nhà anh bị sạt, đất đá tràn vào nhà. Mặc dù đã được vận động di chuyển đến nơi anh toàn nhưng gia đình anh vẫn chưa di chuyển. Lý do anh Sèo đưa ra là vì gia đình anh quá nghèo lại mới vay ngân hàng 35 triệu để xây dựng căn nhà này, sinh hoạt chưa được bao lâu thì thiên tai ập đến làm hư hại ngôi nhà. Dù bây giờ gia đình anh rất muốn chuyển đến nơi ở mới nhưng với mức hỗ trợ 20 triệu là quá ít, rất khó để gia đình anh di dời.

Cần sớm di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Cần sớm di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm

Gia đình chị Giàng Thi Sun, xã Phú Thịnh (Bảo Thắng - Lào Cai) cũng trong tình trạng tương tự. Mùa mưa năm 2017, gia đình chị bị đất đá sạt lở tràn vào nhà làm cho căn nhà bị hư hỏng. Dù đã được chính quyền vận động chuyển tới nơi ở khác nhưng do quỹ đất của gia đình không có, khó có thể tự bố trí chỗ ở ổn định. Nếu được cấp đất thì việc san gạt và dựng một căn nhà mới để ở cũng phải mất gần 70 triệu. Đây là một số tiền quá lớn đối với gia đình chị.

Chị Sun chia sẻ: Hiện nay đang là mùa mưa bão, dù biết sống tại đây rất nguy hiểm, ngày đêm nơm nớp lo sợ thiên tai ập tới, đe dọa tới tính mạng của cả nhà, nhưng vì nghèo nên cũng không biết làm thế nào đành cố chịu để sống…

Tìm hiểu nguyên nhân khó khăn trong công tác di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, PV Báo TN&MT được ông Nguyễn Xuân Nhẫn, PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết: Tỉnh Lào Cai cũng đã nắm được tình hình các hộ dân trong diện phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, việc di dân ra khỏi vùng nguy hiểm đã vấp phải những khó khăn. Quỹ đất xây dựng các điểm dân cư vào vùng quy hoạch rất hạn chế, do đó việc bố trí, sắp xếp thành điểm dân cư tập trung đảm bảo các yêu cầu về đất ở, đất sản xuất, đất xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu gặp rất nhiều trở ngại.

Do địa hình núi cao hiểm trở, chia cắt mạnh, cùng với thời tiết hàng năm diễn biến phức tạp, thường xảy ra mưa lớn kéo dài, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đã phát sinh nhiều hộ dân cư nằm trong vùng thiên tai cần phải di chuyển gấp; nguồn lực bố trí cho chương trình bố trí dân cư hàng năm rất thấp chỉ khoảng khoảng 43%, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến nhiều dự án chưa được đầu tư đồng bộ, hoặc đầu tư chậm các công trình thiết yếu, điện, nước sạch…đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân.

Ngoài ra, người dân có thói quen sinh sống gần khu vực sông, suối và trên các sườn đồi núi, nhận thức của một số hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, còn trông chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa thực sự cố gắng vượt khó vươn lên. Một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động tới người dân nên nhiều hộ gia đình nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai vẫn thờ ơ và chưa nhận thấy mức độ nguy hiểm khi xảy ra thiên tai.

Cùng với đó, định mức hỗ trợ cho các hộ dân di chuyển thấp (20 triệu đồng/hộ; 50 triệu đồng/hộ biên giới) trong khi các hộ dân đa số là hộ nghèo, vì vậy việc thực hiện xây dựng nhà ở và công trình phụ trợ nơi ở mới thiếu đồng bộ.

Ông Nhẫn cho biết thêm:  Trong thời gian qua, để đảm bảo an toàn tính mạng của và tài sản của người dân trước và trong mùa mưa lũ, tỉnh Lào Cai đã xây dựng kế hoạch di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, chủ động rà soát những nơi có nguy cơ xẩy ra lũ ống, lũ quét thì di chuyển dân đi trước. Và tới nay cũng đã có được một vài kết quả, trong 3 năm từ 2015 - 2018 tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ kinh phí sắp xếp được 1.683 hộ, 6.901 khẩu trong đó: tập trung 162 hộ; xen ghép 1.252 hộ; ổn định tại chỗ 269 hộ; giao 42,5ha đất ở và sảm xuất cho các hộ. Với tổng vốn đã bố trí là: 86.258 triệu đồng trong đó ngân sách Trung ương 63.235 triệu đồng, ngân sách địa phương và nguồn vốn khác 23.023 triệu đồng.

Thảm họa thiên tai đang ngày đêm đe họa tới tính mạng và tài sản của các hộ dân nghèo tại các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai.

Thảm họa thiên tai đang ngày đêm đe họa tới tính mạng và tài sản của các hộ dân nghèo tại các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai

Ngoài ra, tỉnh Lào Cai cũng chỉ đạo các huyện tích cực vận động, tuyên truyền về sự nguy hiểm của thiên tai và cách phòng tránh khi nó ập đến. Với những hộ chưa thể di chuyển do không có quỹ đất hoặc không đủ điều kiện kinh tế thì khi xảy ra mưa lũ sẽ di chuyển tạm thời tới nơi an toàn, đợi hết nguy hiểm mới quay trở lại.

Trước diễn biến thời tiết rất phức tạp, tỉnh Lào Cai lại là tỉnh vùng cao có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và thảm họa thiên tai rất lớn. Sớm di dân ra khỏi vùng nguy hiểm là việc cấp thiết mà chính quyền tỉnh Lào Cai và các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh thực hiện để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân được an toàn trong mùa mưa bão.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: