Trong ngày 20 và 21-4, đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (BCĐ) đã có chuyến khảo sát thực tế tại nhà máy và khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum ở xã Ngọc Tem và xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum.
Đoàn đã đến một số điểm dân cư, trường học bị ảnh hưởng trực tiếp do các đợt động đất vừa qua để thăm hỏi, động viên, trấn an người dân. Đồng thời hướng dẫn bà con một số biện pháp cấp bách nếu xảy ra trường hợp xấu.
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai thăm hỏi người dân ở huyện Kon Plông. Ảnh: LK
Rung chấn liên tục khiến dân lo sợ
Làm việc với đoàn công tác, ông Bùi Thanh Phong, Trưởng phòng TN&MT huyện Kon Plông, cho biết tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 53 vụ động đất, độ lớn dưới 4 độ Richter. Riêng trận động đất xảy ra lúc 12 giờ 54 phút ngày 18-4 có độ lớn 4,5 độ Richter là cao nhất.
Qua tổng hợp báo cáo của UBND các địa phương, đến thời điểm này, các trận động đất chưa gây thiệt hại về người và tài sản nhưng đã làm người dân lo lắng, bất an. UBND huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tuyên truyền kịp thời về mức độ rủi ro và biện pháp phòng tránh để người dân an tâm, không dao động.
Gần với tâm chấn, 170 hộ dân thôn Đắk Tăng, xã Đắk Tăng cũng vô cùng lo lắng, bởi lâu nay bà con chưa trải qua trận động đất lớn nào.
Theo người dân, từ đầu năm 2022 đến nay, tình trạng rung lắc bởi động đất xảy ra thường xuyên và mạnh hơn. “Liên tục động đất nên chúng tôi sợ lắm. Nhất là buổi đêm, ngủ không biết chạy đi đâu, sợ động đất ngói sẽ rơi xuống người” - chị Y Phát (ngụ thôn Đắk Tăng) nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Tăng, chính quyền đã cử cán bộ xuống trấn an người dân. Tuy nhiên, về lâu dài, địa phương mong cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân.
Để có đánh giá và đưa ra các giải pháp ứng phó với động đất cần rà soát toàn bộ cơ sở hạ tầng, thủy điện, hồ đập, dân cư… tại khu vực.
Thận trọng trong xác định nguyên nhân động đất
Sáng 21-4, sau khi đoàn công tác của BCĐ kiểm tra thực tế đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo huyện Kon Plông và chủ đầu tư. Trước mắt, các đơn vị đều bày tỏ sự thận trọng khi đánh giá về nguyên nhân động đất.
Về phía huyện Kon Plông, ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện, bày tỏ sớm xác định nguyên nhân của động đất để người dân an tâm. Ông cũng mong các cơ quan chuyên môn hỗ trợ huyện các giải pháp ứng phó, phòng tránh rủi ro. Phía huyện sẽ rà soát, đánh giá lại các công trình thủy điện, thủy lợi trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, ông Văn Tất Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, đề nghị huyện Kon Plông rà soát toàn bộ cơ sở hạ tầng, thủy điện, hồ đập, dân cư... để cung cấp số liệu cho các ngành liên quan, qua đó có đánh giá và đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhất ứng phó với động đất. Trước mắt, huyện cần tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định tình hình, tư tưởng để bà con yên tâm sản xuất.
Theo ông Cường, dù chưa xác định được nguyên nhân nhưng thời điểm xảy ra động đất trùng với thời điểm tích nước của thủy điện thì cần phải xem xét kỹ. Bởi trên địa bàn có hồ thủy điện Đắk Đrinh với sức chứa trên 200 triệu m3 nước và thủy điện Thượng Kon Tum với sức chứa 145 triệu m3 nước cũng là cả một vấn đề.
Còn đại diện Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng cho rằng cần tổ chức rà soát lại các thủy điện, thu thập thêm số liệu thiệt hại do động đất để có nhận định chính xác; đồng thời lắp thêm các trạm quan trắc.
Ông Phạm Thế Truyền, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu), thông tin tại khu vực Kon Tum đã có bốn trạm quan trắc ghi nhận động đất. Năm 2021, tại đây đã lắp đặt thêm ba trạm quan trắc và đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, từ tình hình thực tế hiện nay cần bổ sung tám trạm quan trắc.
“Để có những thông tin sâu hơn, dự kiến ngày 27-4, Viện Vật lý Địa cầu sẽ có đoàn công tác vào lại Kon Tum” - ông Truyền nói.
Theo ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng đoàn công tác, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (BCĐ), để xác định nguyên nhân cần nghiên cứu và có đánh giá cụ thể. Sơ bộ đánh giá thời điểm gia tăng động đất gần đây trùng với thời điểm đưa vào tích nước của thủy điện Thượng Kon Tum. Tuy dung tích không quá lớn nhưng có thể xem như một yếu tố tác động đến sự gia tăng này.
“Tuy nhiên, tác động này đến đâu, có phải do thủy điện hay không, còn tác động đến bao giờ thì cần nghiên cứu căn bản của cơ quan chuyên môn. Từ đó mới có thể đưa ra những nhận định cụ thể nhất, chính xác nhất” - ông Quang nói.
Theo Viện Vật lý Địa cầu, từ đầu năm 2021 đến nay, tại huyện Kon Plông, Kon Tum xảy ra 169 trận động đất. Riêng từ ngày 15 đến 18-4 ghi nhận 22 trận động đất mạnh 2,5-4,5 độ Richter.
Tính trong thời gian từ năm 1903 đến 2020, trên khu vực huyện Kon Plông và lân cận đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ Richter.
LÊ KIẾN
Nguồn PLO: https://plo.vn/lap-them-tram-quan-trac-tim-nguyen-nhan-dong-dat-o-kon-tum-post676855.html