Tâm chấn trận động đất xảy ra rạng sáng ngày 24/4 tại huyện Kon Plông Nguồn: Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần
Trận động đất mới nhất ở Kon Plông xảy ra lúc 5 giờ 38 phút 02 giây (giờ Hà Nội) ngày 24/4 với độ lớn 2.9, độ sâu khoảng 8.1km. Tính đến chiều qua (24/4), Kon Plông và khu vực lân cận ghi nhận tổng số 180 trận động đất từ tháng 4/2021, gấp hơn 5 lần số trận động đất ghi nhận được ở khu vực này suốt từ năm 1903 đến 2020. Đáng lưu ý nhất là trận động đất ngày 18/4 với cường độ 4.5, là trận động đất mạnh nhất khu vực này trong lịch sử, gây ra rung chấn ở Kon Plông và khu vực lân cận.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, một mạng lưới quan trắc đang được các đơn vị liên quan thúc đẩy nhằm cung cấp thêm số liệu phục vụ nghiên cứu. Một đoàn chuyên gia của Viện đang có mặt ở Kon Plông để khảo sát, đánh giá hệ thống đứt gãy ở khu vực này. “Đây là nơi có rất ít nghiên cứu về động đất”, TS Xuân Anh nói và cho biết thêm, trên cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học sẽ tiến hành đánh giá mức độ rủi ro và xây dựng các kịch bản ứng phó rủi ro có thể xảy ra cho khu vực huyện Kon Plông và lân cận.
Dù đang trong quá trình khảo sát, nghiên cứu nhưng các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu đưa ra nhận định ban đầu, động đất ở Kon Plông khả năng cao là động đất kích thích, liên quan đến việc tích nước hồ chứa thủy điện, giống như từng xảy ra tại Thủy điện sông Tranh 2 ở Quảng Nam.
Thực tế, từ 24/3/2021, Thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu phát điện tổ máy số 1. Ngay sau đó, từ tháng 4/2021, động đất liên tiếp xuất hiện tại Kon Plông và các huyện lân cận, kéo dài đến bây giờ với sự gia tăng về cường độ và tần suất.
Động đất kéo dài bao lâu?
Đầu năm 2012, rung chấn cùng những tiếng nổ lớn xảy ra trong lòng đất hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), nơi có Thủy điện Sông Tranh 2 tích nước. Sau đó động đất gia tăng nhanh về cường độ và tần suất, đỉnh điểm là trận động đất mạnh 4.7 độ ngày 16/11/2012, gây xáo trộn một thời gian dài đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (Quảng Nam). Các nhà khoa học sau đó vào cuộc và kết luận, đây là động đất kích thích, xảy ra do Thủy điện sông Tranh 2 tích nước. Động đất tại đây vẫn kéo dài liên tục đến nay. Trận động đất gần đây nhất ở khu vực này xảy ra ngày 11/3/2022, với cường độ 2.7 tại huyện Bắc Trà My.
Nhận định động đất Kon Plông nhiều khả năng là động đất kích thích, PGS.TS Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa vật lý ứng dụng chia sẻ, điểm trùng hợp của thủy điện Thượng Kon Tum và Sông Tranh 2 là đều nằm trên đới đứt gãy Rào Quán - A Lưới, một đới đứt gãy lớn chạy từ Lào đến Quy Nhơn (Bình Định). Tuy nhiên, động đất kích thích ở Kon Plông có kéo dài như ở sông Tranh 2 hay không thì cần đánh giá nghiên cứu, bởi nền địa chất hai khu vực có thể khác nhau. Trên thế giới có những động đất kích thích kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ nhưng cũng có động đất kích thích xảy ra thời gian ngắn, tần suất và cường độ thấp.
Cũng theo PGS Cao Đình Triều, động đất kích thích có quy luật riêng. Trong chuỗi các trận động đất kích thích sẽ có một trận động đất lớn nhất gọi là kích động chính, các trận động đất sau đó sẽ nhỏ hơn kích động chính này. Tại Thủy điện sông Tranh 2, kích động chính có độ lớn 4.7. Tại khu vực Thủy điện Thượng Kon Tum, theo PGS Cao Đình Triều, kích động chính ít khả năng vượt quá 5 độ.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, cùng với việc tìm nguyên nhân, Viện Vật lý Địa cầu đang đề xuất tiến hành nghiên cứu đánh giá chi tiết mô hình cấu trúc và độ lớn động đất cực đại có khả năng phát sinh của các hệ thống đứt gãy chạy qua khu vực huyện Kon Plông và vùng lân cận.
Nguyễn Hoài
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lo-ngai-tai-dien-kich-ban-song-tranh-2-post1433333.tpo