Về tình hình lũ trên sông Cửu Long trong những ngày vừa qua, theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên dần từ giữa tháng 7 và đạt đỉnh vào nửa đầu tháng 9. Đỉnh lũ năm tại Tân Châu 4,09m (ngày 10/9, trên BĐ2 0,09m), trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,72m (ngày 13/9, trên BĐ2 0,22m), ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,55- 0,65m, ở mức tương đương đỉnh lũ năm TBNN.
Ảnh minh họa
Từ ngày 6-10/10, do ảnh hưởng của triều cường mực nước hạ lưu sông Cửu Long lên nhanh, mực nước tại các trạm hạ lưu đều đạt và vượt mức BĐ3 từ 0,1-0,3m, đặc biệt mực nước tại trạm Cần Thơ là 2,23m (ngày 10/10), đã vượt mức lịch sử năm 2011 là 0,08m, gây vỡ đê bao ở Cồn Khương, phường Cái Khế (Ninh Kiều, TP Cần Thơ), gây ngập lụt một số tuyến đường và vườn cây ăn trái.
Về các kỷ lục lũ ĐBSCL tại Cần Thơ trong nhiều năm qua, theo thống kê, từ năm 1977 đến năm 2000, đỉnh lũ năm tại trạm Cần Thơ phổ biến dao động ở mức BĐ1-BĐ2. Năm 2000 là năm lũ lịch sử ở ĐBSCL nhưng đỉnh lũ năm tại Cần Thơ chỉ là 1,79m, dưới BĐ3 (1,9m) là 0,11m. Từ năm 2001 đến năm 2010, đỉnh lũ năm tại Cần Thơ thường xuyên vượt BĐ3. Năm 2011 xuất hiện lũ lớn trên sông Cửu Long (đỉnh lũ tại Tân Châu 4,86m, trên BĐ3 0,36m), thì lũ lịch sử đã xuất hiện trên sông Hậu tại trạm Cần Thơ là 2,15m (27/10/2011). Từ năm 2013-2017, đỉnh lũ năm tại trạm Cần Thơ luôn ở mức cao hơn BĐ3 từ 0,05-0,2m.
Như vậy, đỉnh lũ tại Cần Thơ năm nay đã vượt lịch sử trong suốt 30 năm qua, về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngập lụt nghiêm trọng tại Cần Thơ những ngày qua phải kể đến một số nguyên nhân như: Về thủy triều và lũ thượng nguồn: Mực nước tại các trạm thượng nguồn, mực nước tại Tân Châu và Châu Đốc đang xuống vẫn ở mức cao hơn BĐ1 (Tân Châu: 3.63cm, Châu đốc: 3.45m ngày 09/10/2018); vùng đồng bằng Nam Bộ chịu ảnh hưởng của kỳ triều cường bắt đầu từ ngày 4/10 và đạt đỉnh vào ngày 10/10 đã có tác động đến mực nước lớn lịch sử tại Cần Thơ.
Về sản xuất nông nghiệp: Vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) rộng gần 489.000 hecta thuộc địa bàn tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Theo thống kê của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam thì năm 2016 đã có tới 60.000 hecta lúa vụ ba với cao trình bao đê trên 3 mét, với xu thế tiếp tục tăng diện tích sản xuất lúa vụ ba như vậy thì vùng vùng trữ nước ở TGLX sẽ giảm đi và độ sâu ngập ở các vũng trũng thấp khác sẽ tăng lên, trong đó có thành phố Cần Thơ.
Về phát triển đô thị: Thành phố Cần Thơ những năm gần đây tốc độ phát triển về hạ tầng cơ sở là rất nhanh, quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển mạnh các khu công nghiệp,nhưng hệ thống tiêu thoát nước của thành phố chưa thật hoàn chỉnh và đồng bộ, do đó khi có triều cường mạnh cũng là một nguyên nhân gây ngập úng vùng trũng thấp.
Về sụt lún của ĐBSCL: Theo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, kết quả quan trắc lún ở một số thành phố lớn và ĐBSCL năm 2015 đã phát hiện hơn 70% số điểm mốc độ cao bị lún từ 5cm trở lên so với thời điểm năm 2005, trong số đó, số mốc bị lún trên 10 cm chiếm hơn 20%. Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam đã nghiên cứu mức độ sụt lún tại nhiều địa điểm và khẳng định, ĐBSCL từ một khu vực ổn định đã rơi vào tình trạng sụt lún nhanh chóng chỉ trong vòng 25 năm. Cùng là nguy cơ âm thầm, nhưng tốc độ sụt lún cao hơn nhiều so với tốc độ mực nước biển dâng (chỉ vài milimet mỗi năm). Thêm vào đó việc sử dụng nước ngầm quá mức đang đẩy nhanh quá trình lún ở TP Cần Thơ và Vĩnh Long. Theo số liệu thống kê mực nước tại trạm thủy văn Cần Thơ trong giai đoạn 2000-2017, mực nước cao nhất năm có xu thế tăng 1,28cm/năm, mực nước trung bình năm có xu thế tăng 0,44cm/năm.
Như vậy, theo ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Bộ, nguyên nhân gây ngập nghiêm trọng ở Cần Thơ trong tháng 10/2018 ngoài các yếu tố khí tượng, thủy văn và hải văn thì sơ bộ có thể nhận thấy các nhân tố gây nên hiện tượng này là sự kết hợp của: Sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long; Sự phát triển nông nghiệp, sản xuất lúa vụ ba và Phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.
Nguồn: Báo TN&MT