Lý giải việc xuất hiện những trận mưa đá vừa qua

Đăng ngày: 05-03-2020 | Lượt xem: 6032
Mưa giông, mưa đá ở một số tỉnh Bắc Bộ từ ngày 2/3 đến 4/3 đã gây thiệt hại cho nhiều địa phương. Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao hiện nay đang là mùa xuân lại xuất hiện mưa đá?

Mưa đá thường xuất hiện khi chuyển thời tiết

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, mưa đá hình thành bên trong những đám mây đối lưu (mây đối lưu thường gây ra dông). Mưa đá bao gồm các hạt băng (nước đá) trong suốt hoặc không trong suốt có kích thước khác nhau, có viên nhỏ như hạt đậu nhưng cũng có viên to như quả bưởi.

Hầu hết ở các vùng miền ở nước ta đều nằm trong khu vực bán sơn địa, miền Bắc lại thường phải chịu tác động của các đợt không khí lạnh mạnh tràn về kết hợp với gió Tây Nam hội tụ trên cao. Chính sự kết hợp này hình thành nên mưa đá.

Chú thích ảnh
Mưa đá phủ dày trên mặt đất. Ảnh: TTXVN.

Hiện tượng mưa đá cũng thường xuất hiện trong các tháng chuyển tiếp giữa thời tiết lạnh sang nóng hoặc ngược lại (tháng 3, 4, 5, 6 hoặc tháng 8, 9, 10 và 11). Các tháng này thường có sự giao tranh mãnh liệt giữa các phân tử ở 2 khối không khí có bản chất trái ngược nhau. Chính sự giao tranh này tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh gây mưa rào và dông, kèm theo mưa đá. Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hoặc khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn.

Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua miền Bắc đã đón một đợt nắng ấm lên đến 27 - 29 độ C, một số thời điểm oi nóng như mùa hè. Vì vậy, khi có tác động của không khí lạnh mang theo hơi ẩm tràn xuống đột ngột, khu vực xảy ra hiện tượng mưa dông, sấm chớp và một số nơi xảy ra mưa đá.

Những dấu hiệu nhận biết sắp xảy ra mưa đá gần giống như nhận biết các trận mưa rào mạnh trong các ổ mây dông mạnh. Nếu thấy trời nổi dông, gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, rồi dông, gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó có lắc rắc vài hạt mưa rào và cảm thấy nhiệt độ không khí lạnh đi nhanh chóng, có thể mưa đá sẽ xảy ra. Tuy nhiên, đây chỉ là những dấu hiệu chỉ ra khả năng sắp có mưa đá. Thực tế rất khó nhận biết và dự báo khi nào sẽ có mưa đá.

Bắc Bộ nắng ấm trở lại từ 6/3

Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khối không khí lạnh (KKL) từ phía Bắc tràn xuống gây nên đợt không khí lạnh từ ngày 3/3.

Tuy nhiên, đợt rét này khá yếu và chỉ gây ra rét trong khoảng 1 - 2 ngày, sau đó nhiệt độ sẽ có xu hướng tăng dần. KKL sẽ tiếp tục gây mưa trong ngày 4/3, nhiệt độ thấp nhất trong đợt rét này giảm xuống phổ biến từ 14 - 17 độ C, từ ngày 5/3 mưa giảm và nhệt độ bắt đầu có xu hướng tăng nhanh.

Từ ngày 6/3 nhiệt độ cao nhất trong ngày có khả năng ở mức từ 25 - 28 độ C, những ngày tiếp theo nhiệt độ tiếp tục tăng nhanh, từ 2 - 3 độ C mỗi ngày. Vào ngày 8/3 và 9/3 nhiệt độ sẽ tăng ở mức từ 29 - 32 độ C ở Hà Nội, một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ có thể lên tới 33 - 35 độ C, xuất hiện nắng nóng cục bộ. 

“Theo thống kê, vào tháng 3 hàng năm có khoảng 3 - 5 đợt KKL, theo đó dự báo khả năng tháng 3 năm nay KKL hoạt động yếu và ít có cơ hội gây ra các đợt rét kéo dài. Tuy nhiên với xu hướng nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm các đợt KKL ảnh hưởng sau một những ngày nhiệt độ cao, độ ẩm lớn, có thể sẽ gây ra sự xáo trộn không khí mạnh mẽ và gây ra những trận mưa rào và dông, có khả năng kèm theo mưa đá như tối và đêm ngày 2/3 vừa qua”, ông Trần Quang Năng cảnh báo.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: