Vụ đông xuân 2019 - 2020, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế gieo cấy hơn 28 ngàn ha lúa và 3.591 ha rau các loại. Trước tình hình hạn hán kéo dài, dự kiến sẽ có hơn 2 ngàn ha lúa ở tỉnh này bị khô hạn.
Chưa năm nào huyện miền núi A Lưới lại rơi vào tình trạng thiếu nước như thời điểm này. Hiện mực nước ở các con sông, khe suối gần như cạn kiệt, tầng nước ngầm cũng sụt giảm, đe dọa sự sống còn của hàng trăm ha lúa vụ đông xuân.
Bất lực nhìn ruộng lúa hơn hai sào đang “khát” gần tháng nay, ông Hồ Xuân Đạt (trú thôn A Niêng - Lê Triêng 1, xã Trung Sơn) cho biết, toàn bộ ruộng đồng ở thôn được gieo cấy đầu năm, lúc mưa lạnh. Tuy nhiên từ khi gieo cấy đến nay, mới chỉ được mấy lần mưa rồi nắng hạn đến bây giờ. “Nếu những ngày tới không mưa, lúa nhà tôi coi như mất trắng”, ông Đạt nói.
Hàng trăm hộ hộ dân nơi đây cũng đang từng giờ, từng ngày cầu mưa để cứu những ruộng lúa nguy cơ “xóa sổ”. Theo thống kê của UBND xã, hiện toàn xã có khoảng 12ha lúa vụ đông xuân bị thiếu nước tưới, hư hại. Trước mắt, để chống “khát” cho lúa, xã vận động vét mương khơi thông các nguồn nước từ khe, suối lúa. Với những diện tích không thể cứu vãn, vận động chuyển sang trồng hoa màu chịu hạn như ngô, sắn, đậu.
Xét trên toàn huyện, nắng hạn kéo dài đã gây thiếu nước cho hơn 300ha lúa đông xuân, tập trung ở các xã A Ngo, Sơn Thủy, Trung Sơn, Quảng Nhâm, Phú Vinh, Lâm Đớt và thị trấn A Lưới.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết ngành đã sử dụng các máy bơm dầu lưu động, tận dụng các hồ suối bơm tưới tiêu; vận động chuyển đổi cây trồng; yêu cầu chủ đầu tư các công trình thủy lợi đang thi công chọn phương án tối ưu nhất để không làm ảnh hưởng đến nước tưới tiêu; đẩy nhanh thi công kịp lấy nước phục vụ sản xuất.
|
Ruộng lúa nứt nẻ do nắng hạn kéo dài tại Thừa Thiên – Huế. |
* Tại miền Tây, trên các sông chính ở tỉnh Bến Tre, từ giữa tháng 1, xâm nhập mặn đã diễn biến phức tạp, đột ngột và rất sâu, tương đương đợt thiên tai bốn năm trước. UBND tỉnh đã sớm công bố tình huống khẩn cấp, yêu cầu thực hiện ngay các giải pháp ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại.
Hiện toàn tỉnh Bến Tre bị nước mặn bủa vây, nhiều biện pháp được triển khai, người dân cũng có kinh nghiệm ứng phó nhưng không thể tránh khỏi những thiệt hại. Khoảng 5.000ha lúa đang chết dần. Tại huyện Chợ Lách, cách cửa biển khoảng 60km, nước mặn ở mức 4-10 phần nghìn (4.000 -10.000mg/l) vẫn tràn tới.
Toàn huyện có hơn 8.000ha đất trồng cây ăn trái đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bòn bon... cùng hơn 1.000ha sản xuất cây giống, hoa kiểng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện nói “năm nay mặn gay gắt chưa từng thấy”. Dự báo tình trạng còn kéo dài hơn một tháng. “Diện đất bị nhiễm mặn phải mất 2-6 năm, thậm chí 10 năm mới rửa hết, tùy theo mức độ, biện pháp phục hồi”, ông Liêm cho biết.
Tại Kiên Giang, giữa tháng 2, UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp hạn mặn; chỉ đạo các địa phương sẵn sàng các phương án hỗ trợ nhân dân khi cần thiết, kêu gọi toàn dân sử dụng tiết kiệm nước... Tỉnh khẩn cấp đắp 195 đập tạm trên vùng tứ giác Long Xuyên, U Minh Thượng và Tây sông Hậu để ngăn mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống người dân.
Tại Cà Mau, hai ngày sau khi công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, hôm 4/3, UBND tỉnh này đã gửi văn bản đến Bộ NN&PTNT đề nghị công bố tình huống thiên tai và xử lý sạt lở, sụp lún đất. Theo đó, thời tiết, thủy văn trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp.
Hệ thống kênh, mương trong vùng ngọt hóa cạn kiệt. 18.000ha lúa, rau màu thiệt hại; gần 43.000ha rừng trong tình trạng báo động cháy cao. Một số cống ngăn mặn bị rò rỉ đáy... Hơn 900 vị trí công trình ven kênh, rạch và đường giao thông đã bị sụp lún, sạt lở, với chiều dài gần 22km.
Theo baophapluat.vn