Miền Trung chủ động vượt khô hạn

Đăng ngày: 13-05-2021 | Lượt xem: 1486
Giữa cơn dịch giã, dải miền Trung lại phải oằn mình bước vào một mùa khô hạn dự báo khốc liệt. Mùa khô hạn năm nay đến sớm, song nguồn nước mưa chứa ở thượng nguồn từ năm trước dồi dào nên vụ mùa nhiều tỉnh miền Trung bội thu, nông dân tranh thủ thu hoạch gọn để vào vụ mới kịp né hạn. Ở nhiều vùng đỉnh hạn, người dân tất bật dự trữ lương thực, nguồn thức ăn khô cho gia súc và nguồn nước để sẵn sàng vượt hạn.

Rơm khô, cỏ voi… chống hạn

Những ngày đầu tháng 5-2021, dọc dải miền Trung nắng hạn gia tăng mạnh, bắt đầu tác động mạnh đến đời sống người dân. Từ Hà Tĩnh trở vào Phú Yên, nắng nóng gay gắt. Nhiều nơi “lửa hạn” dai dẳng, không cầu được một cơn mưa nào to. Mới 9 giờ sáng, “chảo lửa” Thượng Sơn (xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, Bình Định) nắng như thiêu. Phơi tấm lưng gầy dưới nắng trời rát bỏng, cụ Trần Vĩnh Lộc (73 tuổi, thôn Thượng Sơn) ra sức tiếp nước, rơm khô cho 4 con bò lai của mình.

“Năm nay gia đình tôi chuẩn bị cho mùa khô kỹ lưỡng hơn, lo nhất là đàn gia súc, gia cầm. Rút kinh nghiệm mấy mùa khô trước, năm nay tôi trồng thêm nhiều cỏ voi, mua bổ sung 1,5 triệu tiền rơm khô để dự trữ thức ăn cho đàn bò. Ngoài ra, chuẩn bị thêm bắp, cám, gạo, rau muống để tẩm bổ cho chúng có sức chịu nắng nóng…”, ông Lộc nói.

Dọc những cánh đồng bán bình nguyên ven biển Phú Yên, khô hạn cũng đang bắt đầu khá căng thẳng. Các cánh đồng Tân An, Diêm Hội, Phú Thường (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, Phú Yên) vừa qua vụ mùa thứ nhất, nhưng đã khô khốc. Hồ Bà Mẫu (thôn Diêm Hội, xã An Hòa Hải) mực nước chạm đáy, người dân tranh thủ chắt chiu nguồn nước tại đây chỉ đủ tưới cây màu.

Tại đồng Phú Lương (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An), ông Trần Vinh Quang (46 tuổi) đang chất đầy xe công nông rơm khô từ ngoài đồng về nhà để dự trữ làm thức ăn cho 5 con bò. Ngoài ra, ông Quang thuê thợ khoan giếng ngầm ở ngoài ruộng để trồng thêm cỏ voi cho đàn bò có thức ăn vượt hạn.

Miền Trung chủ động vượt khô hạn ảnh 1
Người dân xã An Hưng, huyện An Lão, Bình Định đắp đập tạm trên sông Re để giữ nguồn nước canh tác mùa khô. Ảnh: XUÂN HUYÊN

Huyện miền núi Hương Khê được xem là “chảo lửa” của Hà Tĩnh. Trận hạn lịch sử năm 2019, nền nhiệt đo được ở vùng lõi hạn tại đây đạt đỉnh 43,4°C. Bước vào năm 2021, bà con Hương Khê đang nỗ lực chuẩn bị tất cả điều kiện sẵn sàng đón mùa khô mới. Khắp nơi, chúng tôi bắt gặp cảnh người dân đang chuẩn bị thức ăn khô dự trữ cho gia súc, đắp bờ, nạo vét kênh mương, ngăn suối để giữ nước...

Bà Hồ Thị Xoan (65 tuổi, ở xóm 8, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) nuôi 2 con trâu và 3 con bò, nhờ kinh nghiệm chống hạn tốt nên chưa năm nào đàn bò bà bị chết do nắng nóng.

“Kinh nghiệm là phải trồng nhiều cỏ voi, tận dụng hết các vùng đất ẩm để trồng. Loài cỏ voi phát triển rất nhanh, hấp thụ nước ít nên bám trụ rất lâu trong mùa nắng nóng. Tôi còn trồng bổ sung thêm bắp, mía, cây đậu, rơm khô… để tẩm bổ cho trâu bò”, bà Xoan nói.

Tại khu vực đồi Trạng Nẹo, vùng trồng cam và bưởi lớn nhất - Phúc Trạch (Hương Khê), chính quyền địa phương đã bổ sung 1 trạm điện mới để “tiếp sức” cho các máy bơm nước chống hạn cho cây trồng.

Chắt chiu nguồn nước

Ở “chảo lửa” Phổ Cường (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), khoảng 8.000 dân đang gồng mình bước vào đợt khô hạn năm thứ 3 liên tiếp. Đây là số người dân bám trụ ở vùng quê này, còn dân số thực tế của toàn xã khoảng 16.000 dân - nửa số dân còn lại đã ly hương vì quê nghèo bị hạn hán vắt kiệt.

Ông Trần Tình, Trưởng thôn Thủy Thạch (xã Phổ Cường), chua xót, trong vòng 15 năm trở lại đây, dân làng Thủy Thạch gần như mất trắng vụ lúa hè thu. Vùng đất mang cái tên Thủy Thạch này hơn một thập niên qua gần như bị sa mạc hóa.

“Hạn hán căng thẳng lắm, bà con năm nào cũng thiếu lương thực. Bây giờ nguyện vọng của người dân nơi đây không gì khác ngoài nước sinh hoạt, nước tưới tiêu, sản xuất”, ông Tình nói.

Ông Võ Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Cường, cho biết, toàn xã có trên 1.100ha đất sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên có gần 400ha đất lúa luôn phải bỏ trắng trong mùa khô vì thiếu nước. UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa đồng ý đầu tư, nâng cấp 2 hồ thủy lợi (92 tỷ đồng) phục vụ cho Phổ Cường và một số điểm hạn lân cận của toàn thị xã Đức Phổ, nhưng không kịp để chống hạn cho năm 2021.

“Năm nay, chúng tôi đã cho đóng 5 giếng khoan lớn và người dân họ cũng chủ động đóng gần 100 giếng khoan nhỏ để chống hạn. Chúng tôi đang kêu gọi bà con tiết kiệm nước hết sức, chắt chiu từng giếng nước và nên chia sẻ nước cho nhau để cầm trụ trong mùa khô…”, ông Cương nói. 

Ở xã vùng cao An Hưng (huyện An Lão, tỉnh Bình Định), Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Chê cho biết, từ tháng 3, người dân nơi đây đã đồng loạt đắp nhiều đập bổi (đập tạm - PV) tại sông Re để giữ nước phục vụ tưới trong sản xuất vụ hè thu. “Bà con An Hưng cùng góp sức chi ra trên 400 công để vận chuyển đá, rọ sắt, đan cọc và thanh tre vừa đắp xong đập bổi Tà Loan ở sông Re để giữ nước cho mùa khô”, ông Chê nói.

Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh, huyện đã đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh và Trung ương đầu tư xây dựng đập hồ Trại Dơi ở xã Phú Gia (dung tích khoảng 115 triệu m3 nước), vừa giúp nâng mực nước ngầm, vừa đáp ứng cung cấp nguồn nước sinh hoạt, nước tưới cơ bản cho người dân chống hạn lâu dài.

“Chúng tôi cũng kiến nghị cấp trên hỗ trợ khẩn cấp kinh phí để giúp người dân vùng hạn nặng, như: Hương Liên, Điền Mỹ, Hương Lâm, Hà Linh, Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy… làm giếng khoan (khoảng 20 triệu đồng/giếng) để có nguồn nước ngầm giúp dân chống hạn”, ông Vinh nói.

Trong đợt khô hạn năm 2019, gần 3.000 hộ dân ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Cát, Mỹ Chánh Tây… (huyện Phù Mỹ) bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo UBND huyện Phù Mỹ khẩn trương đầu tư dự án nhà máy nước sạch để phục vụ cho 3.000 hộ dân nơi đây. Tuy nhiên, đến nay Nhà máy nước sạch Mỹ Chánh (vốn khoảng 40 tỷ đồng) vẫn còn ngổn ngang. Ông Lê Minh Sơn, Trưởng thôn An Xuyên 3 (xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ), cho biết, hiện có một nửa dân số ở Mỹ Chánh và một phần dân ở xã Mỹ Cát vẫn đang chịu cảnh thiếu nước. Nặng nhất ở thôn An Xuyên 3, An Xuyên 2, bà con đang phải chạy mua nước từng bữa, ai nấy đều rất bức xúc. Còn nhớ, tháng 4-2020, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định từng phê bình UBND huyện Phù Mỹ vì chậm thực hiện dự án nhà máy nước sạch Mỹ Chánh. 

Theo Báo Sài Gòn online

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: