3 người chết và mất tích do mưa lũ
Số liệu quan trắc của cơ quan khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ 19 giờ ngày 28/10 đến 19 giờ ngày 31/10, các tỉnh, TP khu vực Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 80 - 150mm, riêng Hà Tĩnh có mưa to đến rất to từ 80 - 150mm, có nơi trên 250mm.
Từ 19 giờ tối 31/10 đến 7 giờ sáng nay (1/11), khu vực Hà Tĩnh đến Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Lượng mưa phổ biến 30 - 50mm, riêng từ Quảng Bình đến Bình Định có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 50 - 70mm.
Một ngôi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh bị ngập sâu do mưa lũ.
Mưa lớn kéo dài đã gây ra ngập úng nghiêm trọng tại các tỉnh, TP khu vực miền Trung. Tại Quảng Bình, Quốc lộ 15 bị tắc đường tại Ngầm Bùng Km562+200, ngập 1,0 - 1,2m; 3 điểm tắc đường do ngập 4 tuyến giao thông địa phương thuộc huyện Bố Trạch, ngập sâu từ 0,3 - 0,7m, nhất là đường vào thôn Hà Môn và Mỹ Sơn, xã Cự Nẫm ngập từ 0,5 - 0,7m, cô lập một số điểm dân cư của thôn Hà Môn và Mỹ Sơn.
Tại Quảng Ngãi, đường tỉnh 623 (TP Quảng Ngãi - Sơn Hà) khu cầu tràn Thạch Nham bắt đầu ngập từ 14h ngày 31/10, lực lượng chức năng đã chốt chặn để bảo đảm an toàn. Trong khi đó tại Hà Tĩnh, có 860 hộ, 19 nhà văn hóa thôn, 10 điểm trường học và hội quán thôn bị ngập nước. Cầu tràn tại các xã Hương Bình, Hương Xuân, Điền Mỹ, Phúc Trách, Hương Liên, Hương Thủy, Hương Giang, Hương Vinh, Gia Phố, Hương Lâm (huyện Hương Khê) bị ngập.
Tại Hà Tĩnh ghi nhận 2 trường hợp bị chết và 1 người bị mất tích do lũ cuốn trôi tại huyện Hương Khê. Đập Tắt, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) bị vỡ thân đập dài 15m, rộng 7m, sâu xuống 4m. Mưa lũ cũng gây sạt lở 100m tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua thôn Liên Châu, xã Đức Liên, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) làm ách tắc giao thông.
Mưa lũ cũng gây thiệt hại lớn tại Quảng Bình khi Quốc lộ 15C bị xói lở tại ngầm Khe Đèng; Sạt lở khoảng 30m3 trên đoạn đường vào bản Chà Cáp, xã Trọng Hóa. Cũng tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), có 2 nhà hư hỏng do sạt lở taluy sau nhà; Sạt lở 50m bờ sông làm ngã trụ điện khiến 400 hộ dân mất điện…
Mưa lũ còn diễn biến phức tạp
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, mực nước sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) tại Hòa Duyệt 9,59m, trên báo động (BĐ) 2 là 0,59m; tại Chu Lễ 12,54m, trên BĐ2 là 0,04m. Dự báo, từ ngày 1 - 2/11, lũ trên các sông khác từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định lên mức BĐ1- BĐ2, có sông trên BĐ2.
Tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên hiện có tổng số 23 hồ chứa thủy điện đang phải xả tràn; trong đó số lượng cụ thể tại từng khu vực nêu trên lần lượt là: 2, 4, 2, 7 và 8 hồ chứa.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, từ ngày 1 - 2/11, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 90 - 170mm, có nơi trên 300mm; khu vực Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30 - 70mm, có nơi trên 90mm. Nguy cơ mưa lũ được nhận định còn rất phức tạp.
Trước ảnh hưởng của thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1034/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó mưa, lũ, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khu vực miền Trung và Tây nguyên. Ngày 31/10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ, thực trạng hồ đập và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại tỉnh Hà Tĩnh.
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết vào sáng 1/11, hiện nay Ban Chỉ đạo tiếp tục tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó.
Cùng với triển khai Công điện số 1034/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương tập trung huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích; tổ chức thống kê, đánh giá thiệt hại để hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trọng Tùng
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mien-trung-thiet-hai-nang-ne-do-mua-lu.html