Những hạt mưa đá có kích thước lớn tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Ảnh: CTV
Theo đó, lúc 19 giờ ngày 17-3, trên địa bàn khu vực thị trấn huyện Si Mai Cai và 2 xã Sán Chải, Nàn Sán xảy ra mưa đá kèm theo giông, lốc và gió mạnh. Cơn mưa đá này kéo dài khoảng 10 phút với lượng đá rơi mật độ dày đặc. Tuy cơn mưa đá diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng hiện tượng này đã gây thiệt hại cho bà con nhân dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình có mái nhà lợp bằng tấm lợp fibro xi măng và diện tích hoa màu. Ngoài địa bàn ở trên, một số khu vực của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cũng xảy ra hiện tượng mưa đá tương tự, nhưng lượng nhỏ hơn, không đáng kể.
Tối cùng ngày, thành phố Lai Châu cũng xảy ra hiện tượng mưa đá, kèm theo mưa lớn và giông lốc. Cơn mưa đá tại đây cũng diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng với những viên đá có đường kính lớn và mật độ dày đặc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Hiện, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trên địa bàn các tỉnh chịu ảnh hưởng của cơn mưa đá vẫn đang thống kê thiệt hại về tài sản và người, đồng thời cùng người dân khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn mưa đá gây ra.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, một bộ phận không khí lạnh đã di chuyển xuống phía Nam. Trong sáng ngày 18-3, không khí lạnh sẽ mở rộng xuống phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khiến toàn khu vực trở lạnh. Ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao gây ra mưa dông diện rộng tại đây. Tại các tỉnh đồng bằng, lượng mưa phổ biến ở ngưỡng 10-30 mm/ngày. Riêng vùng núi có mưa lớn với lượng mưa có thể lên đến 40-70 mm/ngày. Đáng chú ý, các khu vực như Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang có nguy cơ xảy ra mưa đá, lũ quét, ngập úng cục bộ.
Theo bienphong.com.vn