Kbang là một trọng những huyện phía đông tỉnh Gia Lai bị hạn nặng. Ngoài 2.200 ha hoa màu bị mất trắng, nhiều diện tích lúa và hơn 9.000 ha mía ở địa phương cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, gần 1 tuần nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều trận mưa vừa, rải rác có mưa to.
Ông Mã Văn Tình, trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Kbang cho biết, các trận mưa đã cơ bản cung cấp đủ nước cho các diện tích bị hạn. Phòng Nông nghiệp huyện Kbang đang vận động nông dân tranh thủ bón phân, chăm sóc để các loại cây trồng nhanh chóng phục hồi.
“Tại các xã phía nam, hiện cây lúa nước đã được cứu rồi. Với cây mía, ở những vùng đất bằng, độ ẩm cao thì cây có thể tự phục hồi được. Với các xã đang theo dõi để làm tổng hợp, đề nghị hỗ trợ thiệt hại, thì với riêng cây mía, phòng đang đề nghị làm chậm lại để theo dõi xem mức độ phục hồi cụ thể thế nào. Mưa tiếp tục đều, người dân bón phân vào thì cây có thể phục hồi”, ông Mã Văn Tình nói.
Với tỉnh Đắk Lắk, trong đợt hạn cục bộ kéo dài từ tháng 5 tới giữa tháng 8, cũng đã có hàng nghìn ha lúa, ngô, ở các huyện Ea Kar, M’Đrăk và Krông Bông bị mất trắng, nhiều diện tích cà phê, cây ăn trái bị suy kiệt vì thiếu nước. Đáng lo ngại hơn nữa là phần lớn các hồ thủy lợi ở 3 huyện vẫn chưa tích đủ nước, trong đó có 22 hồ chỉ có lượng nước bằng từ 10% - 50% dung tích thiết kế. Nhờ những trận mưa liên tiếp trong mấy ngày gần đây, các vấn đề về hạn hán đã được khắc phục.
Các tỉnh Tây Nguyên sẵn sàng ứng phó với mùa mưa lũ
Ông Nguyễn Văn Đông, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk, cho biết: “Các công trình bây giờ cơ bản đều đã tích đủ nước để tưới. Các loại cây công nghiệp cũng đã phục hồi rồi. Với lúa thì có một số vẫn giảm năng suất, còn một số thì có thể cứu được”.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, có mưa rào và giông rải rác đến nhiều nơi, có nơi mưa vừa, cục bộ có mưa to… là hình thái thời tiết phổ biến trong những ngày gần đây ở khắp các huyện, thành phố các tỉnh Tây Nguyên. Diễn biến thời tiết này giúp chấm dứt khô hạn ởcác huyện phía Đông Trường Sơn, nhưng cũng báo hiệu khu vực Tây Trường Sơn sắp vào mùa lũ.
Nước sông Đăk Nông (tỉnh Đăk Nông), sông Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) và sông Sê-rê-pôk (giáp ranh Đắk Lắk, Đăk Nông) đã bắt đầu dâng cao. Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-phát triển nông thôn Đăk Lăk cho biết, trước mắt mưa trên diện rộng vẫn là tín hiệu tốt đối với tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng đã dự phòng chu đáo về các tình huống thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tới.
“Bây giờ mưa được như vậy, đối với vùng M’đrăk, Ea Kar, Krông Bông đều rất quý. Tất nhiên là tỉnh không chủ quan. Trong phương án phòng chống thiên tai của tỉnh, chúng tôi đã có văn bản tham mưu cho tỉnh, phù hợp với các diễn biến tại địa phương, để tỉnh chỉ đạo các huyện chủ động theo phương châm 4 tại chỗ”, ông Mai Trọng Dũng cho hay./.