Theo thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ nay đến hết tháng 8/2019, lượng mưa, mùa lũ có sự thay đổi so với nhiều năm.
Về lượng mưa
Tại khu vực Bắc Bộ có tổng lượng mưa từ nửa cuối tháng 3 đến tháng 8/2019 phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN; Riêng tháng 4 và tháng 5 tại phía Tây Bắc Bộ có khả năng ở mức thấp hơn trong khoảng từ 15 - 30%.
Lực lụt, lũ quét xảy ra ở miền Bắc. |
Tại khu vực Trung Bộ có tổng lượng mưa tại Bắc Trung Bộ từ nửa cuối tháng 3 - 6/2019 ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ; Khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến ít mưa và thiếu hụt so với TBNN. Từ tháng 7 đến tháng 8/2019 tổng lượng mưa ở mức cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 15 - 30%.
Ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Tổng lượng mưa từ nửa cuối tháng 3 - 5/2019 phổ biến ở mức thấp hơn so với giá trị TBNN. Cảnh báo ít mưa từ nửa cuối tháng 3 và tháng 4/2019.
Từ tháng 6 - 8/2019 tổng lượng mưa trên khu vực phổ biến ở mức xấp xỉ với giá trị TBNN cùng thời kỳ. Thời điểm bắt đầu mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng muộn hơn so với TBNN (khoảng nửa đầu tháng 5 ở khu vực Tây Nguyên và nửa cuối tháng 5 ở khu vực Nam Bộ).
Về tình hình thủy văn
Hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện nhiều ở phía Nam. |
Tại khu vực Bắc Bộ: Từ nửa cuối tháng 3 đến tháng 4/2019, nguồn nước so với TBNN khu vực Tây Bắc phổ biến ở mức cao hơn từ 5 - 20%; khu vực Việt Bắc phổ biến xấp xỉ TBNN; khu vực Đông Bắc thiếu hụt từ 10 - 30%; khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ thiếu hụt từ 20 - 30%.
Từ tháng 5 - 8/2019, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ, đỉnh lũ các sông ở mức BĐ1-BĐ2, các sông suối nhỏ trên BĐ3. Lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ, nhiều đợt lũ quét và sạt lở đất tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc. Nguồn nước khu vực Tây Bắc và Việt Bắc ở mức xấp xỉ TBNN; khu vực Đông Bắc phổ biến thiếu hụt từ 20 - 30%; khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 10 - 30%.
Tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên: Từ tháng 3 - 5/2019, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 15 - 35%; các sông ở Nghệ An, Phú Yên đến Ninh Thuận thấp hơn từ 65 - 80%; riêng các sông từ Quảng Nam đến Bình Định và Bình Thuận phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN cùng kỳ từ 5 - 10%.
Trong thời gian này, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tình hình hạn hán thiếu nước xảy ra cục bộ ở những vùng nằm ngoài khu vực cấp nước của các công trình thủy lợi.
Từ tháng 6 - 8/2019, dòng chảy trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có xu thế tăng dần; các sông khác ở Trung, Nam Trung Bộ giảm dần. Mùa khô năm 2019 ở các tỉnh ven biển Trung, Nam Trung Bộ khả năng kéo dài tới tháng 8/2019, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông tại các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ.
Ở Nam Bộ: Tổng lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công về đầu nguồn sông Cửu Long từ tháng 3 - 5/2019 có xu thế cao hơn TBNN và năm 2016 cùng kỳ từ 20-50%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm và ở mức cao hơn TBNN từ 0,1 - 0,25m.
Xâm nhập mặn vùng đồng bằng Nam Bộ ít gay gắt hơn so với năm 2016 nhưng vẫn ở mức cao hơn TBNN, cao hơn năm 2018. Độ mặn cao nhất trên các sông ở Nam Bộ phổ biến xuất hiện trong tháng 3/2019, riêng hệ thống sông Vàm Cỏ và vùng bán đảo Cà Mau - Kiên Giang độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 5/2019. Các địa phương ở khu vực đồng bằng Nam Bộ vẫn cần chủ động trong công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.
Từ tháng 6 - 8/2019, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn sông Mê Công tăng dần và ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN. Mực nước sông Cửu Long lên dần và ở cao hơn TBNN từ 0,1 - 0,2m./.
Theo VOV