Mùa khô năm 2020: Dự báo thiếu nước, khô hạn diện rộng

Đăng ngày: 08-02-2020 | Lượt xem: 2853
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại cuộc họp của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường với các đơn vị liên quan, báo cáo về hiện trạng tài nguyên nước trên toàn quốc và dự báo trong thời gian 6 tháng tới, diễn ra vào ngày 7/2.

Nhiều khu vực trên cả nước đối mặt nguy cơ khô hạn trong mùa khô năm 2020. Ảnh minh họa

Nhận định diễn biến nguồn nước từ tháng 2-7/2020, lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) cho biết, từ tháng 2-7/2020, khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt nguồn nước so với trung bình nhiều năm, thiếu hụt nhiều vào các tháng 2-4/2020, đặc biệt trên lưu vực sông Đà (đến các hồ chứa Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình) và trên lưu vực sông Thao, cụ thể:

Lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 20-50%; lưu vực sông Thao thiếu hụt từ 40-70%; lưu vực sông Lô-Gâm-Chảy thiếu hụt từ 10-20%, riêng hạ lưu sông Lô thiếu hụt từ 60-90%; hạ lưu vực sông Hồng thiếu hụt từ 20-30%. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội trên sông Hồng có khả năng ở mức 0,2-0,3m, xuất hiện vào cuối tháng 2 hoặc tháng 3/2020.

Tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, lượng dòng chảy trên các sông phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 25-80%, một số sông thiếu hụt trên 90%. Từ tháng 3-5/2020, tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi khả năng xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Từ tháng 6-8/2020, tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ, tương đương mùa khô năm 2019 tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa.

Tại khu vực Nam Bộ, Tổng cục KTTV nhận định dòng chảy trên sông Mê Công về đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 2-3/2020 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 khoảng 5-20%, mực nước tại Biển Hồ (Campuchia) ở mức thấp, khả năng bổ sung nước cho đồng bằng sông Cửu Long không nhiều. Từ khoảng giữa tháng 3/2020, lưu lượng dòng chảy về trạm Kratie (Campuchia) có xu thế gia tăng do các hồ xả nước theo quy định.

Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Tính đến đầu tháng 2/2020, có 4/11 lưu vực về tổng thể còn thiếu nhiều nước, gồm các sông: Mã, Hương, Vu Gia - Thu Bồn và sông Ba. Tuy nhiên, do từ đầu mùa cạn đến nay, nhiều hồ chứa cũng đã hạn chế việc xả nước hoặc dừng phát điện để có thể tích thêm nước, nâng cao khả năng đủ nước để điều tiết cấp nước cho thời gian còn lại của mùa cạn (5-7 tháng). Vì vậy, mặc dù thiếu hụt, nhưng về tổng thể chưa nghiêm trọng.

Còn PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV và biến đổi khí hậu, nhận định khả năng thiếu hụt mưa đáng kể nhất xảy ra ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

Nếu lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, tổng lượng nước sẽ thiếu hụt. Cụ thể, ở miền Bắc, dự báo nguồn nước trong 6 tháng tới có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-40%, dẫn đến nguy cơ mùa khô năm 2020 tình hình thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra tại nhiều nơi.

Tại miền Trung, lượng dòng trên các sông giảm dần và phổ biến ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 10-40%.

Tại miền Nam, từ tháng 2-3/2020, dự báo tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn sông Mê Công về khu vực đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt so với trung bình nhiều năm; mùa khô 2020, khả năng xâm nhập mặn sẽ sâu hơn mùa khô năm 2018-2019 và trung bình nhiều năm với mùa khô năm 2015-2016.

Tại cuộc họp, ông Tống Ngọc Thanh - Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho biết: Tổng tài nguyên dự báo nước dưới đất của cả nước khoảng 91 tỷ m3/năm (250,7 triệu m3/ngày), trong đó nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm (189,3 triệu m3/ngày). Trữ lượng nước nhạt đã được cấp phép khai thác là 3,6 tỷ m3/năm (9,9 triệu m3/ngày), còn có thể khai thác là 22,3 tỷ m3/năm (61,2 triệu m3/ngày). 

Tại khu vực khô hạn Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, tổng tài nguyên nước dưới đất dự báo hơn 38 triệu m3/ngày, trong đó trữ lượng còn có thể khai thác khoảng hơn 13 triệu m3/ngày. Trữ lượng nước dưới đất đang được cấp phép khai thác hơn 2 triệu m3/ngày, tương ứng gần 16% trữ lượng còn có thể khai thác.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước nắm thêm tình hình về nguồn nước của sông Mã và sớm báo cáo thứ trưởng.

“Vùng nào có khả năng thiếu nước sinh hoạt, nếu chúng ta có thể nhận định trước 1-2 tháng thì phải cảnh báo sớm cho địa phương để họ có phương án ứng phó” - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Theo thanhtra.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: