Mưa to khiến nhiều đường phố tại TP Việt Trì (Phú Thọ) bị ngập. Ảnh: LAM HUẾ
Mưa lớn ở các tỉnh vùng núi phía bắc còn có khả năng kéo dài đến ngày 8-8. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh dần lên nên từ ngày 5 đến ngày 7-8 ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1, cấp 2. Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 19 đến 22 độ vĩ bắc kết hợp với hoạt động của gió mùa tây nam nên ngày 5-8 ở vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Ðông có mưa rào và dông; trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
* Từ 19 giờ ngày 3-8 đến 7 giờ ngày 4-8 ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, một số trạm có lượng mưa lớn như: Tú Nang (Sơn La) 114 mm, Hồng Ca (Yên Bái) 52 mm, Thủy Ðiện So Lo1 (Hòa Bình) 95 mm, Ðoan Tĩnh (Quảng Ninh) 56 mm, Tiên Lương (Phú Thọ) 110 mm, Nam Ðộng (Thanh Hóa) 97 mm…
* Từ đêm mồng 3 đến sáng 4-8, tại tỉnh Phú Thọ đã có mưa vừa, có nơi mưa rất to kéo dài trong nhiều giờ khiến một số địa phương bị ngập, nhiều xã bị cô lập hoàn toàn. Tại huyện miền núi Tân Sơn, mưa to đã làm bốn xã bị cô lập gồm: Tân Sơn, Ðồng Sơn, Lai Ðồng, Kiệt Sơn. Tại các đập tràn qua các xã này, mực nước đã lên hơn 1 m, gây khó khăn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông. Hiện các cơ quan chức năng đã cử người trực tại đầu các đập tràn, hướng dẫn, khuyến cáo người dân không nên đi qua đập khi nước chưa rút… Tại TP Việt Trì, mưa to kéo dài đã làm nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ như: Khu vực liên hợp thể dục thể thao, đường Hùng Vương. Ngay sau đó, lực lượng chức năng có mặt để điều tiết giao thông, khắc phục tình trạng ngập. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) tỉnh đã có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ mưa lũ trên địa bàn; thông tin kịp thời đến các xã, phường, thị trấn và người dân để phòng, tránh, nhất là các khu vực dễ bị xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập úng.
* Tại tỉnh Hòa Bình, ở huyện Tân Lạc, hồ Trù Bụa, xã Mỹ Hòa mưa to mấy ngày qua khiến nhiều tuyến kênh bị hư hỏng, đổ vỡ. Tuyến đường ÐT 432 thuộc địa phận huyện Mai Châu, tại Km 36+500 sạt lở đất, đá ta-luy dương khối lượng khoảng 500 m3, tại Km 19+820 sạt lở đá ước khoảng 12 m3 dẫn đến tắc đường nhiều giờ...
* Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ sáng 4-8, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa to, có nơi mưa rất to. Theo dự báo, đợt mưa này có khả năng kéo dài đến hết ngày 5-8, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt vùng trũng thấp ven sông, suối, ngập úng đô thị. UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, cảnh báo, di dời các hộ gia đình ở ven sông suối, nơi vách núi, ta-luy cao, hạ lưu hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, đề phòng mưa lớn gây ra lũ quét, lũ ống, trượt, lở đất; kiểm tra hồ, đập, các mỏ khai thác khoáng sản để triển khai phương án bảo đảm an toàn cho công trình.
* Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến trưa 4-8, bão số 2 đã làm 270 nhà bị sập, tốc mái ba phòng học, một hội trường bị sụp, sập một nhà lưới; 406 ha lúa bị đổ ngã và một người bị thương do cây ngã đè. Hiện, Ban Chỉ huy PCTT các cấp khẩn trương huy động lực lượng xung kích khẩn trương xuống địa bàn giúp người dân khắc phục khó khăn do thiên tai. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp chính quyền địa phương giúp người dân và tặng nhu yếu phẩm mỗi phần trị giá 500 nghìn đồng cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng do mưa dông, lốc xoáy gây ra.
* Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Kiên Giang, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 2 trên Biển Ðông đã gây ra mưa dông, gió mạnh làm thiệt hại hơn 438 nhà của người dân, ước thiệt hại khoảng 5,4 tỷ đồng. Ngoài ra còn có một trụ sở ấp ở huyện Châu Thành, hai phòng học ở An Biên bị tốc mái, bảy chiếc ghe (nhỏ) ở huyện Phú Quốc bị chìm, 201 ha lúa hè thu ở huyện Kiên Lương bị ngập nước.
* Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Bạc Liêu cho biết, tính đến sáng 4-8, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm hư hại 87 nhà của người dân tại các huyện Hồng Dân, Phước Long và Vĩnh Lợi; nhiều cây xanh, hoa màu đổ ngã, gây ngập úng nhiều nơi trên địa bàn. UBND các xã, thị trấn có nhà sập, tốc mái đã huy động lực lượng giúp đỡ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, đồng thời khẩn trương thống kê chi tiết số lượng nhà bị thiệt hại do lốc xoáy gây ra báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT tỉnh để có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho nhân dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.
* UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Quyết định số 3071/QÐ-UBND phê duyệt dự án kè cấp bách chống sạt lở do thiên tai trên sông Mã, đoạn qua xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy. Tuyến kè dài 948,78 m được xây dựng dọc theo bãi sông Mã. Thời gian thực hiện dự án trong năm nay nhằm bảo vệ 521 hộ dân và tuyến đường tỉnh 518B, đồng thời ngăn chặn sạt lở bờ sông, tạo cảnh quan môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.
Theo nhandan.com.vn