2 người chết, hàng chục nhà dân hư hỏng
Số liệu thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai cho biết, bão số 12 đã khiến 2 người chết. Cụ thể, Quảng Nam: 1 người do sạt lở núi làm sập nhà; Bình Định: 1 người do chằng chống nhà cửa. 31 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng khiến nhiều gia đình phải di dời tạm cư.
Hệ thống giao thông bị gián đoạn do bão số 12. Cụ thể, tàu SE2 Bắc - Nam đã buộc phải tạm dừng tại K1233+650 (tỉnh Khánh Hòa) do đường sắt bị ngập. Trong khi đó, Quốc lộ 19C đoạn qua xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) bị ngập 0,8m gây ách tắc giao thông.
Hệ thống điện cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là tại tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên. Cụ thể tại tỉnh Khánh Hoà bị mất điện trên địa bàn các xã: Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Phước, Vạn Thọ và Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh); toàn huyện Khánh Vĩnh; các xã Ninh Vân, Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa). Tỉnh Phú Yên hiện cũng có 68 xã bị mất điện. Đối với sản xuất, bão số 12 đã khiến hơn 1.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, tập trung chủ yếu tại tỉnh Phú Yên. Cùng với đó là 1 chiếc tàu cá bị chìm khi neo đậu tại tỉnh khánh Hoà. Hiện, các địa phương đang tập trung chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 12 và sẵn sàng ứng phó mưa lũ do áp thấp nhiệt đới suy yếu từ cơn bão này.
Sẵn sàng ứng phó bão giật cấp 15
Liên quan đến diễn biến bão Vamco, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, bão hiện đang di chuyển nhanh vào biển Đông. Theo nhận định của cơ quan khí tượng thuỷ văn, bão Vamco là cơn bão phức tạp, có cường độ rất mạnh và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh khu vực miền Trung vào ngày 15/11.
Để chủ động ứng phó với bão Vamco, nhiều khả năng sẽ trở thành cơn bão số 13, chiều tối ngày 11/11, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai đã có công điện đề nghị các bộ ngành, các tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Thuận tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Nhiệm vụ trọng tâm những ngày tới là khẩn trương thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia nhận định vùng nguy hiểm do bão trong 24 giờ tới là từ Vĩ tuyến 13 đến 18 độ Vĩ Bắc, từ Kinh tuyến 117 đến 120 độ Kinh Đông. Vùng nguy hiểm này sẽ được cơ quan khí tượng thuỷ văn điều chỉnh trên cơ sở số liệu quan trắc cập nhật liên tục.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đặc biệt lưu ý các tỉnh, TP kiểm đếm tàu thuyền trên biển. Giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt là quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, thông tin thường xuyên để ngư dân biết, tránh tâm lý chủ quan.
Các địa phương tập trung rà soát phương án di dời dân cư ven sông suối, khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt do mưa lũ. Bảo đảm an toàn cho các hoạt động kinh tế biển, nhất là nuôi trồng thuỷ sản ven bờ, du lịch trên các đảo… Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ với các tình huống của bão và mưa lũ…
Theo kinhtedothi.vn