Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, trong những ngày đầu tháng 3, khu vực Nam bộ phổ biến ngày nắng, đêm không mưa.
Lượng mưa tại khu vực phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.
Mực nước các trạm trên sông Mê Kông biến đổi chậm. Mực nước các trạm chính phổ biến thấp hơn TBNN cùng kỳ (2012-2020) từ 0,15-1,6m.
Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều nhưng thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 0,11-0,21m.
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế tăng cao, độ mặn tại hầu hết các trạm ở mức cao hơn so với độ mặn trong tháng 2/2021.
Trong tháng 3, ở thượng nguồn sông Mê Kông và khu vực Nam bộ duy trì kiểu thời tiết phổ biến ít có mưa, ngày nắng, có nơi có nắng nóng.
Mực nước sông Mê Kông hiện đã giảm sâu
Riêng khoảng ngày 28, ngày 29/3 khả năng về chiều tối có mưa rào nhẹ xuất hiện cục bộ thời đoạn ngắn. Nhiệt độ cao nhất tại khu vực được dự báo phổ biến ở từ 31-34 độ C, có nơi trên 35 độ C. Nhiệt độ thấp nhất ban đêm dao động chủ yếu ở từ 23-26 độ C.
Mực nước ở thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục biến đổi chậm. Mực nước tại trạm Kratie (Campuchia) ở mức thấp hơn TBNN từ 0,4- 0,6m và ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2020 từ 0,1-0,2m.
Trong những ngày đầu, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu lên theo triều, sau đó xuống. Mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,30m; tại Châu Đốc 1,40m, cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,11-0,15m.
Xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ, cửa sông Cửu Long xu thế tăng cao từ ngày 11-16/03, sau đó giảm dần; riêng sông Cái Lớn xâm nhập mặn có xu thế tăng cao từ ngày 16-20/3.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo, trong đợt mặn từ 11-16/3/2021, các địa phương cần hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất, đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn. Các địa phương chủ động các biện pháp trữ nước và cấp nước phục vụ sinh hoạt trong thời kỳ này.
Theo nhận định, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2020-2021 ở mức cao hơn TBNN, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô năm 2019- 2020.
Các đợt xâm nhập mặn tăng cao tiếp theo ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong thời kỳ từ 27/3-2/4; các sông Vàm Cỏ (từ 9-14/4, 24-30/4), trên sông Cái Lớn (31/3-7/4, 15-24/4), sau giảm dần.
Tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông, triều cường và còn biến động trong thời gian tới.
Trong khi đó, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT, mực nước sông Mê Kông chỉ khoảng hơn một mét khi chảy qua tỉnh biên giới Đông Bắc Thái Lan, gây nguy cơ hạn hán nghiêm trọng trong mùa khô.
Chính quyền cho biết mực nước sông đang giảm nhanh hơn những năm gần đây do việc xây dựng các con đập ở Lào và lượng mưa thấp ở các lưu vực.
Mực nước tại ba nhánh sông chính: Nậm Kam, Nậm Songkhram và Nậm Un hiện chỉ ở mức đáp ứng được khoảng 10%-20% khả năng chứa nước trên lưu vực, gây ra tình trạng thiếu nước cho nông nghiệp.
Do đó, Thái Lan đã ngừng xả nước từ hồ Nong Han ở tỉnh Sakon Nakhon vào sông Mê Kông qua suối Nậm Kam, để giữ đủ nước tưới cho nông nghiệp trong mùa khô.
Chính quyền đang khuyến cáo người dân trồng cây bên ngoài các khu vực được tưới tiêu và tìm kiếm các nguồn nước mới để đối phó với hạn hán.
Theo anninhthudo.vn