Hiện tượng ấm lên toàn cầu có thể biến năm 2019 thành năm nóng nhất. Năm 2018, thế giới ấm hơn 0,83 độ C so với mức nhiệt ở trước thời kỳ công nghiệp. So sánh này dựa trên mức nhiệt độ trung bình từ năm 1951 đến năm 1980.
Năm nay, mức tăng trung bình của nhiệt độ toàn cầu theo dự kiến là khoảng 1,1 độ C, đưa năm 2019 tới gần mức tăng kỷ lục trong năm 2016, khi nhiệt độ tăng 1,15 độ C.
Đây là kết quả từ tình trạng biến đổi khí hậu dưới tác động của con người. Ngoài hiện tượng ấm lên toàn cầu, sự ấm lên bất thường của Thái Bình Dương cũng góp phần làm tăng cao nhiệt độ trong năm 2019. Đó là một hiện tượng tự nhiên mang tên El Nino.
Thông thường, Thái Bình Dương hấp thụ nhiệt liên tục. Trong sự kiện El Nino, bề mặt Thái Bình Dương truyền nhiệt vào khí quyển, kết quả là không khí ấm lên, kéo theo nhiệt độ toàn cầu gia tăng.
Dù El Nino là biến đổi khí hậu tự nhiên, tác động của nó ngày càng nghiêm trọng trong những năm gần đây do ấm lên toàn cầu. Các tác động càng trở nên tồi tệ khi nhiệt độ tiếp tục gia tăng.
Thực tế, 4 năm qua là thời kỳ nóng nhất được ghi nhận. Trong số 22 năm qua, có tới 20 năm ấm nhất được ghi nhận. Nhiệt độ tăng lên không chỉ làm mùa hè nóng hơn. Nó còn dẫn tới nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và làm rối loạn chu kỳ khí hậu trong tự nhiên. Nó có thể làm thay đổi thời gian hoặc địa điểm tuyết rơi hay mặt hồ đóng băng. Nó còn thiết lập lại cách đại dương tuần hoàn.
Một phân tích vào năm 2017 cho thấy, khoảng 30% người dân trên khắp thế giới phải chịu nhiệt độ và độ ẩm nguy hiểm ít nhất 20 ngày/năm. Nếu lượng khí nhà kính thải ra tiếp tục tăng ở tốc độ hiện tại, các nhà nghiên cứu cho rằng, 74% dân số toàn cầu sẽ trải qua hơn 20 ngày có sóng nhiệt nguy hiểm. Nói cách khác, cứ 3 trong 4 người bị ảnh hưởng bởi sóng nhiệt.
Ấm lên toàn cầu cũng gây ra những cơn bão mạnh hơn và thường xuyên hơn. Số bão nhiệt đới trung bình ở Bắc bán cầu là 53. Nhưng năm 2018, con số này đã tăng lên 70. Bắc Cực đang ấm lên ở tốc độ nhanh gấp đôi những nơi khác trên hành tinh.
Việc tiếp tục mất băng và tuyết bao phủ sẽ gây ra những thay đổi lớn ở nhiệt độ không khí. Khí quyển sẽ ấm lên do không còn băng làm mát mặt đất. Không chỉ vậy, tầng đóng băng vĩnh cửu hàng nghìn năm sẽ bắt đầu tan chảy, dẫn tới giải phóng khí nhà kinhs mạnh hơn nhiều carbon dioxide. Lớp đất này chứa 1,8 nghìn tỷ tấn carbon dioxide (CO2), nhiều hơn gấp đôi lượng CO2 hiện nay trong khí quyển Trái Đất.
Các nhà khoa học cho rằng, nếu thế giới có thể tránh được những hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, nhiệt độ toàn cầu phải không tăng qua 2 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp.
Theo Báo TN&MT