Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống Thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: VGP
Ngày 20/1, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo.
Năm 2021 đạt kỷ lục về việc giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2021, ở nước ta đã xảy ra 4.061 trận thiên tai, tai nạn, sự cố (chưa tính tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt), làm 530 người chết và mất tích. Riêng về thiên tai đã xảy ra 841 trận với 18 trong tổng số 22 loại hình thiên tai các loại, làm 108 người chết và mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng 5.200 tỷ đồng.
Đặc biệt siêu bão số 9 (bão Rai) hoạt động trên Biển Đông và liên tiếp 6 đợt mưa lớn từ giữa tháng 9/2021 đến đầu tháng 12/2021 ở khu vực miền trung với tổng lượng mưa 2.000-3.000mm gây lũ gần mức lịch sử trên các sông ở Bình Định, Phú Yên, ngập lụt diện rộng, sạt lở ở nhiều nơi. Ngoài ra, các hoạt động phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là các hoạt động trên biển tiềm ẩn và đã xảy ra nhiều sự cố, tai nạn.
2021 là năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động, trong đó có hoạt động phòng, chống thiên tai và ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm chỉ đạo toàn diện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự chỉ đạo định hướng sát sao, quyết liệt của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Ủy ban quốc gia chủ động triển khai nhiệm vụ của phần lớn thành viên nên công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 đã có những chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm 2021; góp phần giảm thiểu thiệt hại tối đa do thiên tai, sự cố gây ra.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống Thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. (Ảnh: VGP)
Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, trước dự báo tình hình thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, cần tập trung cao cho công tác phòng, chống thiên tai, triển khai đồng bộ các giải pháp cho năm 2022, phấn đấu giảm thiểu thiệt hại do thiên tai đến mức thấp nhất.
Đề nghị thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia và Ủy ban quốc gia, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương tổng kết, đánh giá kỹ công tác năm 2021, từ đó rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch cụ thể, các giải pháp phù hợp để triển khai hiệu quả nhiệm vụ năm 2022. Tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thiên tai; tiếp nhận thông tin, chỉ đạo xử lý kịp thời các sự cố, vụ việc cần cứu hộ, cứu nạn, không để bị động, bất ngờ.
Ưu tiên nguồn lực để tập trung đầu tư cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn, trong đó cần tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị thiết yếu.
Các bộ, ngành, địa phương tăng cường cơ sở vật chất cho phòng, chống thiên tai. Cần kiểm tra trước tại các điểm xung yếu về hồ, đập, đê điều sớm hơn để gia cố sớm; xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố, nhất là thiên tai, sự cố lớn trên diện rộng, đặc biệt là phương án chỉ đạo điều hành, triển khai đoàn công tác hiện trường cũng như phương án sơ tán dân bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai và dịch bệnh. Cần hết sức chú ý, rà soát lại quy trình, bảo đảm không để vì xả lũ các hồ, đập mà gây thiệt hại tính mạng của người dân
Xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở. Nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn bảo đảm nội dung, chương trình sát thực tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin. Kịp thời tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác phát triển đối với công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ cứu nạn.
THANH GIANG, PHÚC HUY- Báo Nhân dân