Một số hệ thống công trình thủy lợi đã trơ đáy, nhiều khu vực sản xuất của người dân đã cạn nguồn nước tưới, cây trồng đang dần chết khô. Nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6, nhiều nơi sẽ rơi vào cảnh thiếu nước trầm trọng. Trước thực trạng trên Bình Thuận đang cấp bách thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo nguồn nước, ứng phó với thiên tai hạn hán.
Một góc vườn thanh long của bà con ở thôn Bình An, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc đang chết khô. |
Những ngày qua, nhiều hộ dân ở thôn Bình An, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đang “vật lộn” với thời tiết nắng nóng, tìm nguồn nước tưới cho cây thanh long và đàn gia súc. Không chỉ nạo vét kênh, mương nhiều hộ nông dân ở đây cũng đã đầu tư hàng chục triệu đồng để khoan giếng ngầm và đào ao tích nước nhưng vẫn “lực bất tòng tâm” do nhiều hệ thống kênh mương đã trơ đáy, mạch nước ngầm không phải nơi nào khoan cũng có nước.
Anh Lương Kim Anh - một người dân ở đây cho biết, tốn tiền khoan giếng nhưng không lấy được nước, nhiều hộ dân xót xa khi nhìn cây trồng của mình bị khô héo từng ngày: “Đây là thôn Bình An, cuối con kênh N21 lấy nước từ kênh chính hồ sông Quao. Chỗ này hơn 50 ha, gần 2 tháng nay nước không có. Khu này nằm rất xa, khi nước vào kênh N21 thì qua thôn Minh Thuận xong rồi mới qua thôn Bình An, thành ra lượng nước không có, khô hạn diễn ra rất căng thẳng”.
Hồ ngưng xả nước. |
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp các sở ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trên cơ sở ưu tiên nước cho sinh hoạt, cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao và nước uống cho đàn gia súc, gia cầm. Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương cắt giảm, không cho sản xuất trên 13.216 ha lúa và 770 ha bắp vụ đông xuân 2019-2020. Đồng thời đề nghị các địa phương không gieo sạ lúa tràn lan nhằm giảm thiệt hại cho người dân. Việc nạo vét kênh mương, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đào ao, giếng,... cũng được khẩn trương thực hiện nhằm tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên trên các sông, suối… tích trữ vào các ao, hồ.
Hiện nay, lượng nước hữu ích trong các hệ thống thủy lợi chỉ đạt 22% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ khoảng 68 triệu m3. Riêng lượng nước tích trữ tại hồ thủy điện Đại Ninh dưới 40 triệu m3, đạt hơn 19% dung tích thiết kế; hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi hơn 322 triệu m3, đạt trên 60% dung tích thiết kế.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng phòng Quản lý nước và công trình, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận, tình hình trên sẽ dẫn tới nhiều khó khăn trong việc cấp nước cho sản xuất: “Tới thời điểm này về cây lúa cơ bản đã tưới theo kế hoạch. Riêng cây thanh long ở địa bàn Tuy Phong, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân thì khả năng đáp ứng tới 30/4, còn Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình đã cấp nước phiên tưới thanh long cuối cùng. Sau đó sẽ ngưng cấp nước sản xuất nông nghiệp, ưu tiên nước cấp cho sinh hoạt.”
Kênh dẫn nước của hồ Cà Giây đã trơ đáy. |
Ông Nguyễn Hữu Phước- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết một phần từ nguồn nước trong các hệ thống công trình thủy lợi, phần lớn còn lại từ nguồn nước chạy máy phát điện kết hợp cấp nước về hạ du của thủy điện Đại Ninh. Đây là nguồn nước rất cần thiết đối với địa phương vì nằm trong vùng khô hạn nhất nước, góp phần rất lớn vào việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho khoảng 400.000 người, tưới cho hơn 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp/vụ và các nhu cầu dùng nước khác của địa phương. Trong khi đó, hàng ngày hồ Đại Ninh phải vận hành xả nước liên tục về hạ lưu sông Đa Nhim với lưu lượng 2,5 m3/s theo quy định, cao hơn 1,8 m3/s so quy định trước đây.
Cũn theo ông Nguyễn Hữu Phước, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành của nhà máy và sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu thủy điện Đại Ninh: “Được biết về phía Lâm Đồng khúc này cũng không nhất thiết cần xả 2,5 m3/s, vì không xử dụng hết, nước chảy xuống sông Đồng Nai. Trong khi đó, đối với quy định vận hành cũ chỉ đề xuất xả 0,7 m3/s và UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã có góp ý cho quy định vận hành mới này và cũng đề nghị xả 0,7 m3/s, trong khi đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho ngành điện xả 2,5 m3/s, như thế là rất bất cập”.
Thuê xe múc cải tạo lòng hồ tích trữ nước ứng phó với nắng hạn. |
Với lưu lượng nước xả về hạ lưu sông Đa Nhim 2,5 m3/s như hiện nay sẽ làm mất đi 57 triệu m3/năm lượng nước cấp cho vùng hạ lưu thủy điện Đại Ninh, tương ứng địa phương phải cắt giảm sản xuất khoảng 5.000 ha lúa hoặc 10.000 ha cây trồng cạn khác. Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó hạn hán; giải quyết nguồn nước phục vụ sinh hoạt, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân trong thời gian còn lại mùa khô 2020 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh khoản 2 Điều 2 Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt công trình thủy điện Đại Ninh.
Cụ thể hàng ngày, hồ Đại Ninh vận hành xả nước liên tục qua đập tràn về hạ lưu sông Đa Nhim với lưu lượng 0,7 m3/s”, nhằm tiết kiệm được 1,8 m3/s, tương ứng 57 triệu m3/năm để điều tiết sang tỉnh Bình Thuận. Từ đó góp phần quan trọng cho việc chống hạn, giải quyết nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, cũng như nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước./.
Theo vov.vn